“Phòng nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu đa phương tiện” chính thức được ra mắt tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (PTIT) vào sáng 27/5. Hoạt động sẽ mở ra chuỗi dự án hợp tác tầm cỡ giữa Naver và PTIT trong tương lai.
Sáng 27/5, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp và để đảm bảo an toàn sức khoẻ của các đại biểu, Lễ ra mắt “Phòng nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu đa phương tiện” tại Học viên Công nghệ Bưu chính viễn thông (PTIT) đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam; ông Vũ Văn San – Bí thư Đảng Uỷ, Giám đốc Học viện; ông Từ Minh Phương – Chủ tịch Hội đồng Học viện, ông Đặng Hoài Bắc – PGĐ Học viện và đại diện Naver Việt Nam – bà Đặng Thiếu Ngân – Giám đốc đối ngoại. Ngoài ra, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) – ông Choi In Hyuk, Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam – ông Trần Đức Lai đã gửi video chúc mừng.
“Phòng nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu đa phương tiện” là dự án hợp tác đầu tiên giữa tập đoàn Naver và PTIT. Với hoạt động này, PTIT sẽ chính thức tham gia “Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu (Global AI R&D Belt)” của Naver và là trường Đại học thứ hai tại Việt Nam tiếp nhận tri thức công nghệ cốt lõi do tập đoàn Hàn Quốc đưa đến.
Từ Hàn Quốc, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn NAVER – ông Choi In Hyuk phát biểu: “Lựa chọn hợp tác với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam là một bước đi quan trọng của Naver trong việc xây dựng Global AI R&D Belt. Cùng với sự hợp tác thành lập AI Center, chúng tôi hi vọng sẽ tạo nên một môi trường nghiên cứu, đào tạo AI hàng đầu tại Việt Nam.
NAVER đã và đang tận dụng các cơ hội đa dạng để trở thành một tập đoàn công nghệ quốc tế. Trong tương lai, Naver sẽ không ngừng mở rộng mạng lưới của mình, liên kết những nhân tài ở khắp mọi nơi để cùng phát triển và trở thành những người lãnh đạo về công nghệ AI toàn cầu”.
Trước khi Phòng nghiên cứu chính thức ra mắt vào 27/5, các chuyên gia công nghệ của PTIT đã phối hợp với những trưởng nhóm của Naver Labs Châu Âu thực hiện các dự án nghiên cứu đầu tiên. Dự kiến, những nghiên cứu này sẽ góp phần không nhỏ trong tiến trình công nghệ số hoá ở Việt Nam, đồng thời góp phần đưa đất nước hơn 96 triệu dân trở thành nhân tố toàn cầu về trí tuệ nhân tạo vào đầu thập kỷ tới.
Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội truyền thông số VN chia sẻ: “Việc hợp tác giữa tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc Naver – với Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông – đơn vị trực thuộc Bộ TT & TT về nghiên cứu đào tạo AI & Dữ liệu đa phương tiện là một bước tiến quan trọng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 của Việt Nam”. Đồng thời chủ tịch Hội cũng gợi ý, Phòng nghiên cứu cần đưa các chương trình học về AI đến từng địa phương, đặc biệt thúc đẩy quá trình số hoá đến các sở ban ngành ở mỗi tỉnh, thành trên cả nước.
Giám đốc Học viện – ông Vũ Văn San nhấn mạnh: “Chúng tôi rất cảm kích Naver vì đã lựa chọn Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong những điểm khởi đầu tại Việt Nam tham gia “Vành đai nghiên cứu và phát triển AI toàn cầu” của tập đoàn. Cùng với những hoạt động nghiên cứu đang diễn ra tại PTIT, sự hợp tác và chia sẻ giá trị cốt lõi về AI từ Naver sẽ góp một phần không nhỏ trong việc xây dựng “Quốc gia số thu nhỏ” của Học viện và cùng phát triển, tạo ra những công nghệ cao “made in Vietnam”.
Đại diện Naver Việt Nam – bà Đặng Thiếu Ngân, giám đốc đối ngoại của công ty cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng, việc hợp tác này sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam trong thời gian tới, giúp Việt Nam đi đầu trong cuộc đua nghiên cứu cũng như phát triển AI của thế giới vào năm 2030.
Tuy rằng, hiện tại tình hình Covid-19 đang khá phức tạp và gây nhiều khó khăn trong nghiên cứu và đào tạo, nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thử thách để tiến tới những thắng lợi mới, đạt được kết quả như mong muốn. Tập đoàn Naver cũng sẽ hỗ trợ tối đa trong việc chia sẻ dữ liệu – mục đích chính của Global AI R&D Belt với PTIT, để các chuyên gia, học viên của trường có thể sáng tạo nên các sản phẩm nổi trội và mang tính thực tiễn cao”.
Kỳ vọng vào sự phát triển của Phòng nghiên cứu, ông Trần Đức Lai – Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, ông Từ Minh Phương – Chủ tịch Hội đồng HV cho rằng, đây sẽ là trung tâm AI hàng đầu tại Việt Nam.
Các hoạt động chính của Phòng nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu đa phương tiện bao gồm: Tổ chức các khoá học cho sinh viên gồm đào tạo về Embedded, IoT, AI, Big Data, Blockchain, Data; Tổ chức chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên, theo đó, các sinh viên và giảng viên Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia hoạt động trao đổi do Naver sắp xếp; Chuyển giao và áp dụng các công nghệ, sản phẩm dịch vụ thế mạnh của Naver; Phát triển giáo trình mới và các chương trình đào tạo quốc tế; Cấp học bổng cho các sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực AI của PTIT; Tiến hành dự án đồng nghiên cứu giữa Naver và PTIT; …
Giữa tháng 5, tại Hàn Quốc, Naver vừa ra mắt chương trình Naver AI Now để giới thiệu, chia sẻ những kỹ thuật, công nghệ AI của Naver trong hiện tại và tương lai. Tại đây, SG Chung Seok Geun đã thông báo về về cách phát triển mới “Big Model – Lớn hơn, nhanh hơn”, gộp những model nhỏ như Q&A, khả năng ứng đáp, gợi ý shopping, dự đoán sức mua cho sản phẩm,… thành một Big Model. Theo đó, Naver công bố mô hình nghiên cứu hướng đến kỷ nguyên Big AI – hyperClova. Để phát triển mô hình mới này, Naver đã chuyển đến hệ thống siêu máy tính(supercomputer), xây dựng khối dữ liệu (data) lớn nhất Hàn Quốc, đồng thời xây dựng và mở rộng vành đai AI R&D từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đến Châu Âu, hợp tác nghiên cứu AI.