Đây là một trong những nội dung chính trong thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Quy Nhơn diễn ra ngày 15/10/2022 tại Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng có mặt chứng kiến và đưa ra phương hướng chỉ đạo.

Tham dự lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, về phía Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có có GS.TS Từ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện; PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Trần Quang Anh – Phó Giám đốc Học viện; TS. Vũ Tuấn Lâm – Phó Giám đốc Học viện cùng đại diện các phòng ban chức năng và khoa Công nghệ thông tin 1.

 Về phía Đại học Quy Nhơn, có sự tham gia PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Quang Ngoạn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Đoàn Đức Tùng, Phó hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng; TS. Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các phòng ban, trung tâm chức năng thuộc Đại học Quy Nhơn.

Ông Đỗ Ngọc Mỹ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Đại học Quy Nhơn là một trường đào tạo đa ngành tại Trung Bộ với rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, sự đầu tư của chính quyền tỉnh Bình Định. Ngoài đào tạo, trường đang phấn đấu là một trung tâm nghiên cứu khoa học và chính sách quản lý lớn của miền Trung Việt Nam. PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ mong muốn trong thời gian tới sẽ hợp tác và tận dụng lợi thế của trường đại học hàng đầu ở hai khu vực để phát triển các các giải pháp chuyển đổi số phục vụ tỉnh cũng như xã hội.

Lãnh đạo hai đơn vị ký thỏa thuận hợp tác

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Quy Nhơn ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mục đích: tư vấn, phát triển các giải pháp chuyển đổi số giáo dục trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm mà hai Bên đã và đang triển khai; tư vấn phát triển các chương trình đào tạo mới ở trình độ Đại học và Sau Đại học, theo các hình thức đào tạo chính quy, từ xa, vừa học vừa làm; tư vấn, đánh giá chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của hai bên; hợp tác triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn theo lĩnh vực chuyên môn mà hai bên có thế mạnh; triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học theo lĩnh vực chuyên môn của hai bên; triển khai các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của cả hai bên; phát triển các ấn phẩm tạp chí, số hóa tạp chí khoa học; chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà trường; quảng bá hình ảnh của mỗi Bên; tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến các sinh viên và học viên; hợp tác giới thiệu các đối tác nước ngoài để thúc đẩy hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; hợp tác cùng tham gia các dự án quốc tế; hợp tác trong hoạt động trao đổi sinh viên, thực tập sinh, học viên, giảng viên; hợp tác cùng thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội;

PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Phó bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông giới thiệu các thế mạnh của Học viện. Là một trong trường đại học đào tạo đa ngành với mũi nhọn là các ngành công nghệ thông tin và truyền thông, Học viện luôn đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số. Thời gian qua, Học viện đã thực hiện triển khai nhiều sản phẩm chuyển đổi số và từng bước chuyển giao tại một số địa phương. Việc tận dụng các lợi thế sẵn có của hai trường đại học để phát huy và thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số phục vụ cho tỉnh Bình Định là hết sức cần thiết. Ngoài ra, hai bên có thể hợp tác để phát triển trong các lĩnh vực đào tạo ngắn và dài hạn, các hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định rất vui mừng tham gia chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác của hai trường Đại học hàng đầu. Ông nhấn mạnh, muốn phát triển cần phải thay đổi có tính đột phá. Quy Nhơn là cái nôi của khoa học công nghệ. Chính vì vậy, cần sự hợp tác của hai trường đại học để giải bài toán trong vấn đề chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số trong đào tạo đại học là cần thiết, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp để thúc đẩy các hoạt động trong trường đại học chứ không phải thay đổi toàn bộ hoạt động đào tạo. Việc đào tạo kết hợp nghề nghiệp thực tế để sinh viên có thể làm được việc sau khi tốt nghiệp là bài toán mà các trường đại học cần làm để giảm tải việc đào tạo lại, đào tạo bổ sung, giảm tải gánh nặng cho xã hội. Ông đề nghị Học viện cùng lan tỏa tinh thần chuyển đổi số trên mảnh đất Bình Định. Cuối cùng, ông chỉ đạo định hướng trong thời gian tới sẽ đặt hàng các sản phẩm nghiên cứu, các giải pháp công nghệ của Đại học Quy Nhơn áp dụng cho tỉnh Bình Định.

Hai bên thống nhất định kỳ mỗi năm một lần trong tháng 12 sẽ cùng nhau tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác đã được thực hiện trong năm và thống nhất kế hoạch hoạt động hợp tác cụ thể cho năm tiếp theo./.