Ngày 28/8/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết thành lập và ra mắt Khoa Trí tuệ nhân tạo. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự và phát biểu tại buổi Lễ. Cổng Thông tin điện tử Học viện trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết thành lập và ra mắt Khoa Trí tuệ nhân tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Kính thưa các thầy cô,

Thưa các em sinh viên,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Lễ ra mắt Khoa Trí tuệ nhân tạo thuộc Học viện Công nghệ BCVT, Khoa Trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam. Tôi xin được gửi lời chức mừng các đồng chí Lãnh đạo Học viện, Lãnh đạo Khoa AI và các thầy cô giáo, các em sinh viên Học viện vì sự kiện quan trọng và có ý nghĩa này. Chúc tập thể Khoa Trí tuệ nhân tạo sẽ gặt hái được nhiều thành công và góp phần quan trọng vào sự phát triển lĩnh vực AI của Việt Nam.

Học viện mà muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu về cái mới, nhất là trong lĩnh vực CNS. Đi đầu, tiên phong về CNS sẽ giúp cho Học viện tiến lên trong nhóm đại học dẫn đầu ở Việt Nam. Học viện phải coi đây là sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của mình.

AI là công nghệ chính của các CNS, cũng là công nghệ chính của CMCN lần thứ tư. AI sẽ như điện của CMCN lần thứ hai, nó sẽ có mặt trong mọi mặt, mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.

Học viện thành lập Khoa AI đầu tiên tại Việt Nam, cũng như đã thành lập ngành Fintech đầu tiên tại Việt Nam, cũng như lần đầu tiên tổ chức đào tạo đại học online cho người công nhân, vừa đi học vừa đi làm. Và sắp tới, Học viện sẽ thành lập Viện lãnh đạo và quản lý Việt Nam, đây cũng sẽ là viện loại này đầu tiên ở Việt Nam, tập trung nghiên cứu, giảng dạy về lãnh đạo và quản trị các tổ chức, vừa theo xu thế thời đại, vừa theo cách Việt Nam, phù hợp với thực tiễn, triết lý và văn hoá Việt Nam. Như vậy là, tinh thần đi đầu của Học viện đã dần trở thành giá trị cốt lõi của Học viện.

AI đang tiến hoá nhanh, sẽ còn nhiều thay đổi, bởi vậy, chương trình đào tạo cần được cập nhật liên tục. Học viện phải theo sát tình hình quốc tế, các chương trình giảng dạy về AI của các đại học trên thê giới. Chương trình giảng dạy ẠI của Học viện phải sát với chương trình của các đại học hàng đầu thế giới. AI là mới với tất cả các nước, Việt Nam không phải là nước theo sau, bởi vậy, không có lý do gì để Học viện theo sau.

AI thì có công nghệ, thuật toán AI và ứng dụng AI. Công nghệ, thuật toán AI thì tính quốc tế cao. Nhưng ứng dụng AI thì mang tính địa phương cao, phải bám vào thực tiễn và văn hoá Việt Nam, cho nên, chương trình giảng dạy AI phải chú ý đến phát triển ứng dụng. Công nghệ thì Việt Nam có thể chưa đi đầu, nhưng ứng dụng AI thì phải đi đầu. Việt Nam sẽ đi lên từ đây, từ ứng dụng trước. Chương trình giảng dạy AI tại Việt Nam phải chú trọng thúc đẩy việc ứng dụng, giúp Việt Nam đi đầu về ứng dụng, có đủ nhân lực AI để đưa ứng dụng AI vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội Việt Nam.

Công nghệ AI đã có những bước phát triển đột phá, nhưng vẫn chưa ai biết ứng dụng nào sẽ là chính, mang tính quyết định về thành công của AI. Vậy Việt Nam chúng ta có phải là người sẽ tìm ra ứng dụng chính này hay không, mặc dù công nghệ không phải do chúng ta phát triển?

Bộ TTTT đang chỉ đạo phát triển ứng dụng AI là trợ lý ảo (TLA). Mỗi đơn vị sẽ có trợ lý ảo của mình, tiền tới mỗi người có một TLA. TLA này là do chúng ta xây dựng. AI làm trợ lý, giúp việc cho con người chứ không vượt lên trên con người. AI dù có thông minh hơn, nhiều thông tin, nhiều tri thức hơn nhưng cũng là để giúp cho con người ra quyết định, làm việc tốt hơn.

Ứng dụng hiệu quả nhất của AI, dễ làm nhất, và có thể làm nhanh là TLA. Có thể làm nhanh là vì nền tảng công nghệ đã sẵn sàng, chỉ cần mỗi đơn vị đưa hệ tri thức của mình vào TLA và huấn luyện, thường là trong 3-6 tháng. TLA thì như đứa con mình sinh ra, nuôi dưỡng rồi sử dụng, mình làm trợ lý cho nó trước rồi nó làm trợ lý cho mình sau. Hiệu quả là vì mỗi cán bộ công chức sẽ có thêm một người giúp việc.

Tiến tới mỗi người Việt Nam sẽ có một trợ lý của riêng mình, do chính mình nuôi dưỡng, nó chứa toàn bộ hệ tri thức của mình. Khi mình sống thì nó làm trợ lý khi mình chết thì nó trở thành chính mình, để con cháu các đời sau vẫn có thể nói chuyện, tâm sự, cho lời khuyên, và chúng ta trở thành người bất tử.

TLA mà Việt Nam chúng ta đang xây dựng có thể là ứng dụng quan trọng nhất của AI.

Khoa AI của Học viện muốn xuất sắc thì phải có một triết lý khác biệt và xuất sắc về đào tạo AI. Chính triết lý đào tạo này sẽ là thỏi nam châm để thu hút tri thức xuất sắc, giáo viên xuất sắc và sinh viên xuất sắc. Về thu hút giáo viên, chuyên gia xuất sắc tham gia giảng dạy thì chú ý thu hút cái hồn của họ, tri thức của họ, sự xuất sắc của họ hơn là sự hiện diện vật lý của họ.

Với những công nghệ mới, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nơi thực tập, thiếu học liệu chưa rõ nhu cầu của thị trường, thì hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp sẽ là lời giải tốt. Học viện phải tích cực hợp tác  với doanh nghiệp AI  trong nước và quốc tế.

Đào tạo nhân lực AI thì phải kết hợp đào tạo đại học, cao học, tiến sỹ và đào tạo lại. Các kỹ sư Điện tử, Viễn thông, CNTT có thể reskill để thành kỹ sư AI, để đáp ứng nhanh nhu cầu về nhân lực AI trong ngắn hạn.

Thưa các bạn sinh viên AI,

Các bạn hoàn toàn có thể tự hào, và cần phải tự hào là những sinh viên AI đầu tiên của Việt Nam. Các bạn là thế hệ tiên phong của một lĩnh vực tiên phong. Người mở đường thì quan trọng nhất là không sợ. Hãy tận dụng mọi cơ hội để học hỏi. Người mở đường thì sẽ không có giới hạn, không bị giới hạn, vì chưa có định nghĩa. Việc cũ thì đã được định nghĩa, mà định nghĩa là một cái hộp, nó giới hạn các bạn trong cái hộp đó. Các bạn là những người hạnh phúc nhất vì được đi đầu tiên, mở đường, không có cái hộp giới hạn mình.

AI là để phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người, phải đảm bảo sự minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và quyền con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, đảm bảo an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế. Đó là những nguyên tắc quản lý và phát triển AI. Khoa AI của Học viện và các sinh viên của Khoa phải nhận thức sâu sắc những nguyên tắc này để AI luôn phụng sự con người.

Khoa Trí tuệ nhân tạo của Học viện ra đời đúng vào ngày 28/8 – Ngày truyền thống Ngành TTTT. Việc lấy ngày này làm ngày thành lập khoa về công nghệ số một của cuộc CMCN lần thứ tư là để truyền đi thông điệp về kế thừa quá khứ và mở ra tương lai của mỗi thế hệ.

Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần tiên phong của Học viện, của Lãnh đạo Học viện, với lợi thế, tiềm năng của Học viện, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ TT&TT, của Bộ trưởng Bộ TT&TT, được sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp AI trong và ngoài nước, Khoa Trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành khoa đào tạo xuất sắc nhất cho những người xuất sắc nhất để tạo ra những giá trị xuất sắc nhất.

Xin chúc mừng Khoa Trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam!

Xin chúc mừng Học viện! Xin trân trọng cảm ơn!