Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) là đại học (ĐH) tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS), triển khai ĐH số tại Việt Nam và đã đạt được những thành quả bước đầu.

Tiên phong trở thành ĐH số tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Học viện phải tiên phong trở thành ĐH số tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025. Đây là cơ hội để Học viện bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và tầm ảnh hưởng trên nền tảng nghiên cứu đào tạo chất lượng cao, là hình mẫu tiên phong ĐH CĐS của Việt Nam.

Từ quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng, ông Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện cho biết Học viện đã hình thành khái niệm ĐH số. Học viện xác định ứng dụng các công nghệ số để tối ưu hoá các quy trình đào tạo, giảng dạy nhằm đào tạo quy mô lớn, chất lượng cao với nguồn lực tối ưu, phục vụ đa dạng hoá các nhu cầu đào tạo, đào tạo lại, nâng cao đào tạo suốt đời, mang lại trải nghiệm tốt nhất và phát triển toàn diện về năng lực cho người học. Học viện xác định 3 yếu tố then chốt của CĐS Học viện là: CĐS toàn diện công tác quản trị ĐH, CĐS đa dạng phương pháp dạy và học, lấy người học và giảng viên làm trung tâm.

Học viện đã kết hợp với Cục CĐS Quốc gia hình thành mô hình ĐH số, định nghĩa các trụ cột về quản trị số, dịch vụ số và xã hội số theo trục kinh tế số – xã hội số và chính phủ số trong công cuộc CĐS quốc gia và theo mô hình chính phủ điện tử (CPĐT) 2.0. Sau đó, Học viện tiếp cận các ứng dụng, xây dựng các mô hình tổng quan, xác định điểm pain point (điểm đau) của các cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), trong đó có Học viện. Sau đó chọn ra điểm pain point để ưu tiên làm CĐS kèm theo các chính sách, tối ưu hoá các hệ thống và vòng lặp này lặp lại cho đến khi tối ưu trở nên được mọi người chấp nhận.

“Yếu tố quan trọng để CĐS là phải liên quan đến chính sách, kỹ thuật và con người”, Giám đốc Học viện nhấn mạnh.

Cùng với đó, Giám đốc Học viện cho biết đơn vị đã khái quát một kiến trúc chi tiết với 9 chức năng trong nhóm quản trị số, 12 chức năng trong nhóm dịch vụ số, và 9 chức năng trong nhóm xã hội số. Xã hội số là các mạng xã hội số mà các sinh viên có thể tham gia như đoàn thanh niên, câu lạc bộ, hội sinh viên, hội tuyển dụng… Học viện đã gửi mô hình cho Cục CĐS Quốc gia, Cục CNTT – Bộ GD&ĐT và đã được xếp vào nhóm 5 trường được Thủ tướng cho phép thí điểm CĐS.

Thành quả bước đầu của CĐS

Sau 1 năm CĐS, ông Đặng Hoài Bắc cho biết Học viện đã hoàn thiện được 11 nền tảng cho giáo dục ĐH số. Các nền tảng nổi bật như hệ thống thực hành Dlab có bài (với 10 học phần) đã tới 5,6 triệu lượt truy cập. Giải pháp tuyển sinh số của Học viện đã được Bộ GD&ĐT sử dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2022.

11 nền tảng cho giáo dục Đại học số của PTIT

Cũng năm 2022, Học viện đã hỗ trợ Bộ GD&ĐT thu và đối soát lệ phí tuyển sinh cho tất cả các trường ĐH phía Nam (từ tỉnh Quảng Nam) với 115 trường với 753.351 nguyện vọng. Khi đối soát, các Sở GD&ĐT, các trường không xảy ra sai sót và chỉ định tiếp tục cho năm 2023.

Về học liệu số, Học viện đã xây dựng một số học liệu cho môn tưởng chừng khó khăn nhất để áp dụng CĐS là môn chính trị và mời những người nổi tiếng giảng các bài học. Tuy nhiên, Giám đốc Học viện cho biết còn khó khăn về sự tương tác cũng cần phải được cải thiện hơn. Hiện nay, Học viện có gần 2.000.000 – 3.000.000 sinh viên học 17 tín chỉ từ các môn chính trị. Vào ngày 7/5, Trường ĐH Khoa học Huế và Học viện sẽ ký kết hợp tác, trong đó ĐH Khoa học Huế đề nghị Học viện chuyển ngay những bài giảng chính trị trực tuyến.

Dịch vụ trực tuyến mức độ 4 đã được Học viện đưa vào sử dụng, đặc biệt ứng dụng ngay trong các dịch vụ căng-tin của nhà trường như gọi dịch vụ ăn uống đã được tích hợp trên nền tảng ứng dụng (app) S-link của PTIT (PTIT S-link). Ngay trong tháng 4/2023, đã có gần 1000 yêu cầu đặt đồ ăn, uống trực tuyến (P-Coffee) thông qua ứng dụng của Học viện, là hình thức thúc đẩy các em sinh viên Học viện tham gia vào S-link tích cực hơn.

Dịch vụ 1 cửa theo cấp độ 4 dịch vụ công

Với những kết quả CĐS và triển khai ĐH số, Học viện đã tiếp 32 trường cao đẳng, ĐH đến thăm làm việc. 

Theo nhận định của Giám đốc PTIT, kết quả CĐS, triển khai ĐH số đã giúp thương hiệu, uy tín của Học viện được ghi nhận rõ nét trong cộng đồng các trường ĐH, đặc biệt Bộ GD&ĐT. Qua công tác CĐS, Học viện đã hình thành các cá nhân/nhóm nghiên cứu, phát triển giải pháp CĐS tốt.

Bên cạnh đó, không gian, quy mô phát triển của Học viện được mở rộng như mở thêm hướng đào tạo hoàn toàn trên công nghệ số kết hợp với doanh nghiệp (DN); hệ đào tạo từ xa, vừa làm vừa học tăng 300%. Theo Giám đốc Học viện, CĐS là động lực tăng trưởng 25% cho Học viện trong năm 2023. Học viện cũng định hướng mở chương trình đào tạo từ xa tại nước ngoài thông qua nền tảng số.

Từ kết quả của CĐS Học viện, bài học kinh nghiệm được Học viện rút ra gồm: Tự tin, phát huy tối đa nội lực thì triệt để giải quyết được các công việc; Cầu thị, lắng nghe, không ngừng học tập kinh nghiệm các trường ĐH khác; Quyết tâm làm triệt để toàn trình 1 ứng dụng như hệ thống Tuyển sinh số) kết nối với MISA ra được hoá đơn điện tử. Những vấn đề cần khắc phục như mức độ tiếp cận các ứng dụng mới của CĐS diện rộng còn chưa cao. Một số quy định quy chế về GD&ĐT chưa bắt kịp công nghệ.

Theo đó, Học viện đề xuất các DN công nghệ tham gia vào các nền tảng dùng chung cho khối giáo dục ĐH về hạ tầng, an toàn thông tin khi các trường có nhu cầu thuê hạ tầng. Học viện cũng sẵn sàng chia sẻ các nền tảng dùng chung về ĐH số trên toàn quốc.

Cần có bộ đánh giá chỉ số đánh giá ĐH số

Với những kết quả CĐS, triển khai ĐH số của PTIT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận một số kết quả bước đầu trong tiến trình triển khai ĐH số của Học viện.

Về đề xuất thuê hạ tầng đám mây của các trường ĐH của Học viện, Bộ trưởng chỉ đạo sắp tới sẽ làm việc với một số DN hạ tầng, đề nghị họ giảm giá thuê hạ tầng đám mây cho khối trường ĐH, tạo điều kiện thúc đẩy CĐS, triển khai ĐH số.

Bộ trưởng nhận định, mô hình ĐH số cũng như CĐS sắp tới sẽ được nhiều trường ĐH ứng dụng và triển khai để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng giảng dạy, cá nhân hóa việc dạy học. Do đó, cần phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá CĐS ĐH, tương tự như bộ chỉ số DTI của Bộ hiện nay đánh giá về CĐS cấp tỉnh, CĐS cấp bộ và CĐS cấp quốc gia.

Bộ trưởng cho biết: “CĐS ĐH muốn thành công thì phải xây dựng các nền tảng mở, nhiều người cùng tham gia viết app, đặc biệt là cần sự tham gia tích cực của các sinh viên. Nền tảng muốn thông minh phải được nhiều sinh viên sử dụng. Nội dung giảng dạy trên các nền tảng cũng phải được sinh viên tham gia đóng góp ý kiến vì họ chính là người thụ hưởng”.

Về giảng dạy trực tuyến môn chính trị và các môn học trực tuyến khác, Bộ trưởng cho rằng bài giảng không hoàn toàn phải có hình ảnh video, mà có thể được thể hiện bằng chữ, cho AI đọc.

Hiện nay, sinh viên học chính trị có phần ngại và phần nào học đối phó vì cách dạy có thể không sinh động và thậm chí có thể trở thành ghét nên cần phải đổi mới việc giảng dạy môn học này để các sinh viên có thể học tập thấy hứng thú. “Một bài giảng không nhất thiết phải là một người giảng mà có thể nhiều người giảng, nhiều nội dung được lồng ghép vì điều quan trọng là truyền tư tưởng của bài học tốt nhất đến sinh viên”.

Cuối cùng, Bộ trưởng lưu ý: “CĐS là đưa đời thực, môi trường thực lên môi trường số”./.

Nguồn: https://ictvietnam.vn/