Là đơn vị đi đầu trong đào tạo Đa phương tiện trình độ Đại học, từ ngày 19 đến 21-8-2016, Học viện Công nghệ BCVT đã diễn ra sự kiệnTrường hè Đa phương tiện, PTIT Multimedia Summer School 2016 với chủ đề “NEW MEDIA – Ứng dụng Công nghệ trong Truyền thông”, Đây là khóa học miễn phí giới thiệu tới sinh viên và cộng đồng những thành tựu và ứng dụng mới nhất của Công nghệ Đa phương tiện. Tham gia khóa học có hơn 40 học viên đến từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và một số cơ quan trên địa bàn Hà Nội.
PMSS là khóa học thường niên, do Khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức miễn phí dành cho sinh viên và các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực đa phương tiện (multimedia). Năm nay, với chủ đề New Media, học viên được học hỏi từ các chuyên gia và trực tiếp trải nghiệm một số nội dung rất mới về công nghệ truyền thông như: Xu hướng truyền thông mới – Ứng dụng công nghệ trong truyền thông; Cách viết ấn tượng trong truyền thông hiện đại; Công nghệ đa phương tiện trong truyền thông Online; Thiết kế tương tác UI/UX; Interactive Inforgraphics trong báo chí truyền thông…
Khóa học có sự tham gia của các chuyên gia báo chí truyền thông nổi tiếng như: Tiến sĩ – nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Đinh Đức Hoàng (facebooker Hoàng Hối Hận), báo điện tử VnExpress; họa sĩ thiết kế Trần Việt Anh… Theo nhà báo Đinh Đức Hoàng, trong truyền thông hiện đại, nhắc đến viết trong New Media nghĩa là lúc không còn phân biệt các cách thức viết như truyền thống nữa bởi họ phải làm chủ cả kĩ năng liên quan đến công nghệ như hình ảnh, video. “Viết lúc đấy có thể là ghi chú thích ảnh, hay là làm photo quote, text graphic cho video. Viết lúc đấy vẫn là viết nhưng không đơn tuần là tạo ra một đoạn văn bản độc lập nữa”, facebooker nổi tiếng này nhận xét.
Với thời gian tập trung 3 ngày, các học viên, ngoài việc cập nhật kiến thức mới từ các giảng viên; học viên còn được tham gia các hoạt động nhóm (teambuilding) và còn được tham quan các phòng Multimedia Lab của PTIT. Sau khóa học, các học viên có thể tự vận dụng kiến thức tiếp cận được để phát triển các sản phẩm đa phương tiện.