Ngày 24/5/2025, Viện Kinh tế Bưu điện (đơn vị trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm thành lập (1975-2025).
Tới dự Lễ kỷ niệm có nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, GS. TS. Từ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện, TS. Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Học viện và các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện, một số cơ quan trung ương, trường học và doanh nghiệp, nguyên lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Viện Kinh tế Bưu điện.

GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, TS. Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Học viện tặng trướng lưu niệm kỷ niệm 50 năm cho Viện Kinh tế Bưu điện
Trong diễn văn tại buổi Lễ, TS. Trần Đình Nam, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế Bưu điện cho biết: “Từ một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Tổng cục Bưu điện, tiếp đó là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đến nay là thành viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Viện đã không ngừng đổi mới, thích nghi và phát triển, phục vụ cho ngành cũng như cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ năm 2012, Viện đã mở rộng sang đào tạo đại học chính quy, từ năm 2021 là hệ đại học vừa làm vừa học, từng bước hình thành mô hình tích hợp “nghiên cứu – đào tạo và chuyển giao công nghệ”.
Viện phấn đấu phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng viên theo hướng chuyên sâu, nâng tỷ lệ tiến sỹ lên ít nhất 60% vào năm 2028 và 70% vào năm 2030. Đồng thời, phát triển thêm các ngành và chương trình đào tạo, tập trung vào kinh tế số và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; đào tạo liên ngành kinh tế với công nghệ, kinh tế với báo chí, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
TS. Trần Đình Nam nhấn mạnh trải qua 50 năm, với tâm huyết và nỗ lực của biết bao thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, Viện Kinh tế Bưu điện đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. “Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng, mà còn là nguồn động viên to lớn để Viện tiếp tục phấn đấu vươn xa”. TS. Trần Đình Nam bày tỏ tự hào khi nhiều cựu cán bộ, giảng viên, sinh viên của Viện đang giữ vị trí chủ chốt tại các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài ngành, tiếp tục lan tỏa giá trị và tri thức đã được tích lũy trong môi trường của Viện Kinh tế Bưu điện nói riêng và Học viện nói chung. TS. Trần Đình Nam tin tưởng với tinh thần chủ động, đổi mới và hội nhập, Viện Kinh tế Bưu điện sẽ tiếp tục là nơi “khơi nguồn tri thức, kết nối truyền thống, mở lối cho tương lai”.

TS. Trần Đình Nam, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế Bưu điện đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại buổi Lễ, GS. TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện đã ghi nhận những kết quả của Viện Kinh tế Bưu điện trong chặng đường 50 năm. Chủ tịch Hội đồng Học viện khẳng định: “Những kết quả Viện Kinh tế Bưu điện đã đạt được không chỉ góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, định vị thương hiệu của Học viện mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Viện trong việc mở rộng các hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số. “Có thể nói, Viện Kinh tế Bưu điện đã và đang ngày càng trưởng thành trong cả lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, trở thành một trong những trụ cột quan trọng góp phần xây dựng Học viện phát triển theo hướng hiện đại, chất lượng và hội nhập quốc tế”.

GS.TS Từ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Viện Kinh tế Bưu điện đã đạt được trong chặng đường 50 xây dựng và phát triển
Trong bối cảnh Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau khi được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là Cơ sở Giáo dục Đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ, cùng với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Viện Kinh tế Bưu điện đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới toàn diện. Chủ tịch Hội đồng Học viện đề nghị Viện cần làm tốt những nhiệm vụ sau: Thứ nhất: Viện cần phát huy truyền thống, giữ vững và tăng cường hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là kinh tế số. Để làm được điều này Viện phải xây dựng được đội ngũ nghiên cứu viên có chất lượng cao; Thứ hai: Viện tiếp tục thực hiện tốt đào tạo chính quy theo chiến lược đào tạo chung của Học viện, Viện cần mở thêm các ngành đào tạo mới, các chương trình đào tạo chất lượng cao; Thứ ba: tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo hệ vừa làm vừa học đã được Học viện giao. Đây là ba nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với ba khối tổ chức của Viện, Viện phải gắn kết được ba khối này với nhau”.
Nhân dịp này, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tặng trướng lưu niệm cho Viện Kinh tế Bưu điện.
Nhân buổi Lễ trọng đại này, Viện Kinh tế Bưu điện đã tặng kỷ niệm chương của Viện cho những thế hệ lãnh đạo, cán bộ đã có nhiều đóng góp để có một Viện Kinh tế Bưu điện phát triển như ngày hôm nay.