Dự án “SignSymphony” ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc học các ngôn ngữ ký hiệu đã giành giải quán quân nhờ giá trị cộng đồng to lớn.

Ngày 30/11, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) đã tổ chức Chung kết “Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp P-Startup 2023”.

Cuộc thi là một hoạt động thường niên hết sức ý nghĩa do PTIT tổ chức từ năm 2017 cho đến nay, với mục đích nhằm tạo ra môi trường cho sinh viên chủ động học tập gắn liền với thực hành, học qua nghiên cứu, trải nghiệm và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp dành cho sinh viên PTIT.

GS. TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng PTIT phát biểu nhấn mạnh: “Startup (khởi nghiệp) là hoạt động rất quan trọng đối với loài người nói chung. Đối với các siêu cường trên thế giới như Mỹ hay Trung Quốc, sự sống của họ chính là những startup, có thể kể đến tiêu biểu như Microsoft, Facebook hay ở Trung Quốc là Alibaba, Tencent, … về sau đều trở thành những công ty lớn, là xương sống của quốc gia”.

GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện nhấn mạnh: “Khởi nghiệp là hoạt động quan trọng và là sự sống đối với loài người, các quốc gia”.

Ở Việt Nam, từ năm 2014 – 2015, Đảng và Nhà nước đã kêu gọi tinh thần startup, coi đây là hoạt động quan trọng để xây dựng nước ta hùng cường, thịnh vượng.

Cuộc thi không chỉ là sân chơi chung về sáng tạo, khởi nghiệp hướng đến thành công cho sinh viên mà còn là dịp để các em giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng với đó, cuộc thi tạo kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp (DN), với cộng đồng cựu sinh viên PTIT cùng vận động xã hội hóa nguồn lực tổ chức các hoạt động khởi nghiệp và huy động nguồn vốn hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.

Từ đó, cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy các bạn trẻ tự tin lựa chọn khởi nghiệp ngay từ khi còn trên ghế giảng đường, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, việc làm, hình thành những nhân tố tích cực làm nên sự thay đổi của khoa học công nghệ qua tư duy ĐMST.

Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10/2023), sau hơn 1 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi đã tiếp nhận hơn 30 dự án tham gia dự thi đến từ các ngành đào tạo khác nhau của PTIT như khoa Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử, Viễn thông, Đa phương tiện, Quản trị kinh doanh, Tài chính Kế toán… Các dự án gửi về Ban tổ chức đều rất phong phú và đa dạng lĩnh vực như: công nghệ phần mềm, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thực phẩm, công nghệ tài chính,…

Tại vòng Chung kết, 12 ý tưởng từ các đội thi xuất sắc nhất đã được trình bày trước Hội đồng giám khảo và các khách mời trong thời gian 3 phút và tham gia phản biện. Trong đó, một số ý tưởng, sáng kiến được các đánh giá cao như: Ví lạnh – ứng dụng smartcard trên nền tảng blockchain, Ami Digital Assistant, Xét nghiệm nhanh HIV sử dụng công nghệ bán dẫn, …

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã tìm ra được Top 6 đội thi có ý tưởng xuất sắc nhất bao gồm: 01 giải Nhất thuộc về đội thi SignSymphony; 01 giải Ý tưởng Công nghệ đột phá thuộc về đội 3 chàng ngốc; 02 giải Ý tưởng vì cộng đồng thuộc về đội ADH-Inventors và đội Team DBT; 02 giải phụ Tiềm năng thuộc về đội Ami và đội ITIS-CHILL.

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho đội thi SignSymphony.

Trong đó, đội quán quân SignSymphony gây được ấn tượng mạnh với Ban giám khảo nhờ ý tưởng độc đáo: Ứng dụng AI và thị giác máy tính nhằm tạo ra một hệ thống học tập ngôn ngữ ký hiệu giúp giải quyết vấn đề giao tiếp của người khiếm thính với xã hội, đưa việc học tập ngôn ngữ ký hiệu phổ biến hơn với xã hội.

SignSymphony sử dụng mô-đun AI nhận diện hành động được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín (IEEE sensors journal) và hiện đang được sử dụng trong một dự án hợp tác quốc tế.

Dự án SingSymphony – Ứng dụng học tập xóa tan rào cản ngôn ngữ giành giải Nhất chung cuộc

Về tầm nhìn của mình, dự án này sẽ tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin, đặc biệt là sử dụng AI và công nghệ thị giác máy tính, đặc biệt là nhận dạng hành động để xây dựng một hệ thống ứng dụng có thể truy cập thông qua điện thoại thông minh hoặc trình duyệt Internet.

Kết quả của dự án sẽ cung cấp cho người câm điếc và những người giúp đỡ họ ở Việt Nam, đặc biệt là những người không có điều kiện học tại trường đặc biệt. Theo đó, một công cụ hiệu quả để tự học ngôn ngữ ký hiệu, hy vọng sẽ giúp họ tiếp cận được các dịch vụ công và cải thiện chất lượng cuộc sống. Kết quả của dự án cũng là một bước tiến xa hơn trong việc hiện thực hóa thách thức chuyển đổi số ở Việt Nam với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại./.