Sau đây là toàn văn bài phát biểu định hướng của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị Tổng kết khối viễn thông 2021 vào ngày 13/1/2022

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Kính thưa các đồng chí

Các đơn vị trong khối viễn thông, bao gồm cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, đã đi qua một năm khó khăn do đại dịch Covid-19, cả trong việc nước và việc nhà. Và chính trong khó khăn đó, chúng ta đã có bước phát triển mới. Nhiều việc tưởng không làm được thì lại làm được. Nhiều việc tưởng phải một năm thì lại làm được trong 1 tuần. Đó là, hội nghị truyền hình từ Chính phủ đến 100% xã, hệ thống khám chữa bệnh từ xa đến 100% cơ sở y tế tuyến huyện, chương trình “Sóng và máy tính cho em” hỗ trợ hàng triệu máy tính và phủ sóng vùng lõm giá trị tới trên 6.000 tỷ đồng, giảm cước viễn thông trên 10.000 tỷ đồng, người dân nhắn tin ủng hộ Quĩ vắc xin trên 120 tỷ đồng, các doanh nghiệp viễn thông đóng góp vào Quĩ 1.000 tỷ đồng, kết nối 10.000 camera giám sát tại trên 700 cơ sở cách ly toàn quốc, phát 75 tỷ bản tin và âm thông báo về phòng chống dịch, huy động hàng ngàn điện thoại viên hỗ trợ tổng đài 1022 của TP. HCM thời kỳ cao điểm, thiết lập và miễn phí số điện thoại 19009095 hỗ trợ gần 10 triệu cuộc gọi tư vấn người dân phòng chống dịch… Nhiều tồn tại thường thì giấu đi nay lại không ngại cho lộ ra để xử lý triệt để. Thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ, tôi chúc mừng các kết quả năm 2021 và trân trọng cảm ơn sự lao động vất vả, sự tận tuỵ, tinh thần phụng sự của của các đồng chí!

Kính thưa các đồng chí

Lĩnh vực viễn thông cần có sự đổi mới lần hai. Hạ tầng viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số. Hạ tầng alo thành hạ tầng của nền kinh tế. Hạ tầng cho người thành hạ tầng cả cho vật, hạ tầng cho IoT. Hạ tầng số thì có thêm 3 từ khoá quan trọng: Cloud Computing, Digital Platform và As Service. Lấy tinh thần đổi mới lần một để thực hiện đổi mới lần hai. Những bài học của cuộc đổi mới lần một sẽ vẫn còn đúng cho lần hai này, đó là: Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt, và qua thử thách này mà hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước.

Viễn thông cần không gian mới để phát triển. Viễn thông đã đi ngang mấy năm nay. Một lĩnh vực mà không phát triển, không mở rộng không gian mới thì sẽ tù túng. Hai không gian mới quan trọng nhất cho viễn thông là: Cloud Computing và Digital Platform. Hai không gian này đều đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm 15-20%, trong khi viễn thông chỉ tăng trưởng 1-2%. Đến 2025, qui mô của mỗi thị trường này sẽ tương đương viễn thông.

Viễn thông phải giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài, ngay trong năm 2022 này. Đó là các loại rác viễn thông: Sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác. Giải quyết được các loại rác này thì viễn thông mới trở thành hạ tầng cho thanh toán điện tử, cho kinh tế số.

Viễn thông thay vì đi theo thì từ nay phải đi đầu. Đi trong nhóm đầu về phát triển 5G và 6G: Phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc, khởi động nghiên cứu 6G, ngay trong năm 2022. Mạng viễn thông phải nhanh chóng chuyển sang Cloud-based và Software-based, để mạng viễn thông trở nên thông minh và linh hoạt, có thể cấu hình thành nhiều mạng con chuyên dùng bằng phần mềm. Công nghệ sử dụng là công nghệ mở, sử dụng Open RAN cho 5G, 6G.

Thay vì dùng thiết bị nước ngoài thì dùng thiết bị trong nước. Nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối. Ban hành tiêu chuẩn thiết bị viễn thông Việt Nam. Các nhà mạng khi đấu thầu mua sắm phải mời các doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong nước.

Thay vì chỉ kinh doanh thì phải có trách nhiệm cao với xã hội. Viễn thông đã trở thành hạ tầng, nền tảng của mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Số người sử dụng viễn thông là hàng trăm triệu. Doanh thu là hàng trăm ngàn tỷ. Lợi nhuận là hàng chục ngàn tỷ. Vậy chúng ta có trách nhiệm gì để người dân an toàn, để người dân không bị gây phiền nhiễu, để Internet Việt Nam lành mạnh, để không gian sống mới của chúng ta được phồn vinh và hạnh phúc? Người dùng nhiều, doanh thu cao, lợi nhuận lớn thì phải luôn đi với trách nhiệm lớn, chỉ có như vậy sự phát triển mới bền vững.

Đảm bảo an toàn, an ninh mạng viễn thông. Các thiết bị viễn thông phải có tiêu chuẩn về an toàn, an ninh mạng. Nhà mạng phải đầu tư các công nghệ, thiết bị để đảm bảo mạng viễn thông an toàn, đảm bảo để các cơ quan an ninh có thể truy vết các hoạt động vi phạm. Phát triển kinh tế phải đi với đảm bảo quốc phòng an ninh. Người Việt Nam phải làm chủ không gian mạng Việt Nam.

Thực hiện chuyển đổi số (CĐS) công tác quản lý. Kết nối online tới các nhà mạng để thay thế các báo cáo. Phân tích, đánh giá dữ liệu bằng Big Data, bằng AI để quản lý và phát triển ngành. CĐS để tăng năng suất lao động 20-30%.

Quản lý phải đi với dẫn dắt và phát triển. Phát triển phải là mục tiêu. Quản lý nhà nước phải mở không gian mới cho lĩnh vực, định hướng công nghệ và mạng lưới. Có kế hoạch phát triển hạ tầng số cho từng địa phương. Mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, học tập và phổ biến kinh nghiệm quốc tế. Viễn thông phải tăng trưởng 2 con số để đến 2025, viễn thông tăng gấp đôi.

Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số phải thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Lọt vào Top 30 vào năm 2025. Chất lượng mạng lưới tương đương các nước phát triển.

Sứ mệnh mới thì cần tổ chức mới. Thiết kế lại tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Đầu tư các công cụ làm việc mới hiện đại để hỗ trợ công tác, tăng năng suất lao động, chủ yếu là dựa trên các công nghệ và nền tảng số. Đào tạo lại, đào tạo nâng cấp cho nhân viên, chủ yếu thông qua các nền tảng đào tạo trực tuyến. Bổ sung nhân lực từ các lĩnh vực CNTT, công nghệ số.

Sứ mệnh mới thì người mới hay người cũ? Người cũ mà sứ mệnh mới, mà nhận thức mới, mà tổ chức mới, mà công cụ làm việc mới thì người cũ đã thành người mới rồi. Chỉ khi người cũ không làm được thì mới cần đến người mới. Anh Nguyễn Phong Nhã nay đã được giao phụ trách Cục Viễn thông. Cờ đã đến tay. Vậy thì làm thôi! Khó khăn gì thì sẽ có Lãnh đạo bộ, có Bộ trưởng hỗ trợ.

Sứ mệnh lớn thì cần đoàn kết lớn. Cục Viễn thông phải hợp lực tất cả các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp công nghệ số, hợp lực tất cả các sở TTTT để tạo thành sức mạnh lớn.

Sứ mệnh lớn thì cần sáng tạo lớn. Việc khó thì cần cách tiếp cận mới, cần sáng tạo Việt Nam, phù hợp ngữ cảnh Việt Nam. Việt Nam phải đi con đường Việt Nam thì mới phát triển được Việt Nam.

Sứ mệnh lớn thì cần tinh thần phụng sự lớn. Trước đây, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là những sứ mệnh lớn, và sứ mệnh lớn đã sinh ra tinh thần phụng sự lớn, con người sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Ngày nay, chúng ta cần những sứ mệnh mới, lớn như trước đây để có được tinh thần phụng sự lớn. Bởi vì, chỉ có tinh thần này mới làm cho đất nước phát triển bứt phá. Sứ mệnh lớn là Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, sánh vai cường quốc năm châu, hùng cường thịnh vượng để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm.

Sứ mệnh lớn, tinh thần phụng sự lớn thì sẽ mở ra giới hạn lớn cho mỗi con người. Mỗi chúng ta đều có vòng tròn giới hạn, nhưng vòng tròn này không cố định. Mở rộng vòng giới hạn này là khi chúng ta gánh vác sứ mệnh lớn, gánh vác trọng trách mới, gánh vác việc vĩ đại. Chỉ có việc vĩ đại thì mới sinh ra người vĩ đại. Gánh vác sứ mệnh quốc gia, sứ mệnh ngành là để mở rộng giới hạn của mỗi chúng ta, là để phát hiện ra mình là ai.

Phần cuối, tôi muốn nói mấy lời với anh Nguyễn Phong Nhã mới nhận nhiệm vụ mới.  Lên cao thì trách nhiệm phải nhiều hơn. Lên cao thì phải vừa mừng vừa lo, chức to thì lo nhiều hơn. Lên cao thì phải học hỏi nhiều hơn. Lên cao thì bao dung nhiều hơn, dung nạp được nhiều người hơn. Lên cao thì phải toàn diện hơn. Lên cao thì phải hài hoà hơn. Lên cao thì phải lo cho anh em nhiều hơn. Lên cao thì lùi về sau nhiều hơn để thúc đẩy anh em. Lên cao thì tìm về và giữ cái gốc, các giá trị cốt lõi của tổ chức, giống như con diều muốn bay cao thì cần sợi dây giữ nó. Lên cao thì cẩn trọng hơn, làm việc gì cũng như mổ con cá nhỏ.

Một năm có tới 365 ngày. Nếu mỗi ngày chỉ cần cố gắng tốt hơn hôm qua 1% thì sau một năm chúng ta sẽ có sự phát triển tới 38 lần! Vậy là một năm không ngắn, đủ dài để làm những việc lớn. Vậy là sự bền bỉ vươn lên là quan trọng. Mục tiêu đã rõ, con đường đã rõ, còn lại là sự bền bỉ vươn lên mỗi ngày. Lãnh đạo Bộ tin tưởng vào các đồng chí, tin rằng các đơn vị khối viễn thông sẽ có những đổi mới quan trọng để bứt phá vươn lên. Lĩnh vực viễn thông có bứt phá vươn lên thì đất nước ta mới có thể bứt phá vươn lên, vì lĩnh vực của các đồng chí là hạ tầng cho sự bứt phá vươn lên đó, là hạ tầng số để thúc đẩy CĐS.

Xin chúc mừng năm mới Nhâm Dần! Xin chúc sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc sẽ đến với từng người và từng nhà! Sau 1 năm nữa, viễn thông Việt Nam sẽ đổi khác!

Xin trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng