Nhân dịp học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2021-2022, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có bài viết về chuyển đổi số giáo dục.
Công thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trân trọng giới thiệu tới độc giả toàn văn bài viết của Bộ trưởng.
Chuyển đổi số giáo dục thì đầu tiên là cần một hạ tầng số băng thông rộng đến từng người dân và từng hộ gia đình. Hiện nay còn gần 2.000 điểm lõm sóng trên toàn quốc, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ không còn điểm lõm sóng. Cuối năm nay, các tỉnh cũng đang phấn đấu mỗi hộ gia đình ít nhất một điện thoại thông minh, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Sang đầu năm 2023 thì 100% người dân sẽ chuyển sang dùng điện thoại thông minh. Trước năm 2025 thì cơ bản mỗi hộ gia một đường Internet cáp quang siêu băng rộng. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam luôn có giá ưu đãi đặc biệt cho giáo dục từ nhiều năm qua. Chiến lược Hạ tầng số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành năm nay đặt mục tiêu Việt Nam lọt vào top 30 thế giới trước năm 2025. Đây là một nỗ lực vô cùng to lớn của ngành Thông tin và Truyền thông đóng góp cho sự phát triển của đất nước, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo.
Nói đến chuyển đổi số là nói đến thanh toán điện tử. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh thanh toán điện tử cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, thanh toán điện tử tại các trường học còn rất thấp, dưới 10%. Hai điểm nghẽn lớn nhất của việc này là chưa áp dụng thống nhất tiêu chuẩn kết nối thanh toán và việc có thu phí thanh toán điện tử. Bộ TT&TT đã thống nhất với ngành Ngân hàng về tiêu chuẩn kết nối thanh toán, đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo áp dụng tiêu chuẩn này trong phần mềm quản lý thu phí của mình. Ngành Ngân hàng cũng đã thống nhất không thu phí thanh toán điện tử đối với các trường học. Phần còn lại là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu thanh toán điện tử ít nhất đạt 60% tại mỗi cơ sở giáo dục, trong năm 2022.
Chuyển đổi số thì quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải tiền mà là quyết tâm chính trị của người đứng đầu. Nó quyết định tới 80% của thành công. Vì chuyển đổi số liên quan đến thay đổi cách vận hành. Công nghệ chỉ giúp chúng ta thực hiện việc thay đổi đó. Thí dụ, chúng ta có chấp nhận thi online không? Chúng ta có chấp nhận đại học số không? Về công nghệ thì chúng ta có nhiều doanh nghiệp công nghệ số tốt. Nhưng công nghệ số có 2 đặc điểm quan trọng. Thứ nhất, muốn nó xuất sắc, muốn nó thông minh thì chúng ta phải dùng đã, vì chỉ có sử dụng mới làm cho nó hoàn thiện dần và xuất sắc. Thứ hai, muốn nó rẻ thì phải dùng chung. Cả 2 cái này chỉ có thể vượt qua bằng sự quyết tâm của người đứng đầu. Vì phản xạ tự nhiên của con người với cái mới là chê bai không muốn sử dụng vì ngại thay đổi, nhất là giai đoạn đầu. Và 44.000 trường học nếu tự phát là có xu thế mua 44.000 phần mềm khác nhau, vừa tốn kém, vừa không kết nối.
Phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển số, vì nó tiêu tốn ít tài nguyên nhất. Các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tập trung chủ yếu cho phát triển số. Đổi mới sáng tạo thì cũng chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ số. Phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. Quốc gia nào, ngành nào muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng thì phải tận dụng cơ hội này. Nhưng phải là đi trước người khác, đi trước quốc gia khác. Nếu phải chọn một cái để đột phá trong giai đoạn 5 năm tới thì ngành giáo dục và đào tạo rất nên cân nhắc chọn chuyển đổi số, coi đây là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với Covid. Công nghệ số và chuyển đổi số có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề kéo dài của ngành giáo dục và đào tạo. Và Bộ TT&TT xin được đồng hành cùng Bộ GD-ĐT trong công cuộc chuyển đổi số.
Lời giải chính cho chuyển đổi số giáo dục là các nền tảng số dùng chung. Ngành Giáo dục và đào tạo đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả. Cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ có tính cách mạng, đó là các platforms dùng chung toàn quốc. Và không chỉ là thực thi hiệu quả, nó còn cho phép ngành có những cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn nữa. Mỗi một nhu cầu sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số. Và nếu nhìn theo góc này, thì nhà trường, nhất là ở bậc đại học, ngày càng giống một doanh nghiệp công nghệ hơn là một trường học truyền thống. Và thực sự, nhà trường sẽ phải phát triển công nghệ và nội dung để dạy học. Nhưng nhà trường sẽ làm việc này bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức và phương pháp dạy học của mình nên các nền tảng số.
Xin chúc cho ngành giáo dục và đào tạo chuyển đổi số thành công và đóng góp to lớn vào sự nghiệp chấn hưng đất nước Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc!
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng