VI

EN

Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị chuyển đổi số y tế

Việt Nam có một lực lượng các DN công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế. Việc 5 năm có thể làm 1 năm.

Lời tòa soạn: Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia diễn ra trong hai ngày 29 và 30/12 đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự và có bài phát biểu tại phiên toàn thể ngày 30/12. Dưới đây, Cổng thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt.

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Thưa các đồng chí và các bạn,

Trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) của Chương trình CĐS Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2020 thì giáo dục và y tế được xếp ở vị trí đầu tiên. Đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất, là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển. Và cũng vì thế mà CĐS sẽ phát huy hiệu quả nhất.

CĐS là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Đột phá ở chỗ, nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới. Đột phá ở chỗ, nó thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống. Đột phá ở chỗ, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên, công nghệ càng phát triển. Đột phá ở chỗ, việc dám thay đổi và áp dụng mô hình mới quyết định hơn việc phát triển công nghệ. Đột phá ở chỗ, các nước đi sau thì ứng dụng mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và vì vậy thành người đi trước. Đột phá ở chỗ, nơi nào khó khăn hơn, đói nghèo hơn thì ứng dụng hiệu quả hơn. Đột phá ở chỗ, nó làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, nhưng với giá rất rẻ. Đột phá ở chỗ, mỗi người, mỗi doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, và vì thế thúc đẩy tất cả mọi người sáng tạo, kinh doanh. Đột phá ở chỗ, nó không bắt buộc chúng ta phải đi qua giai đoạn bắt kịp, rồi đến tiến cùng và sau đó mới là vượt lên, mà có thể đi đầu ngay từ đầu và qua đó mà bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đột phá ở chỗ, thay vì làm dần dần, làm từng phần, từng bước thì có thể làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh.

CĐS y tế, hay y tế số, là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử, nhưng có tính đột phá. Y tế điện tử thì sử dụng CNTT và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, như bệnh viện, nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ. Y tế số thì dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ. Y tế vốn do nhà nước đầu tư là chính thì nay sẽ có thêm nguồn lực là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế, riêng quí 3/2020 thì vốn đổ vào đây đã gần 7 tỷ đô la. Thí dụ như các ứng dụng sức khoẻ để người bệnh tự quản lý các bệnh mãn tính của mình do các DN phát triển. Đến cuối năm 2018, thế giới đã có thể truy nhập 250.000 các ứng dụng y tế số khác nhau, rất dễ sử dụng và phù hợp với các nhu cầu cá thể hoá của người bệnh.

Y tế số thì có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. CĐS y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này.

Việt Nam mới có 8 bác sĩ trên một vạn dân. Bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở một xã của Ninh Bình đã có thể tiếp cận được hàng ngàn bác sĩ giỏi trên toàn quốc để tư vấn 24/24h. Vậy đây có phải cách để chúng ta giải quyết một phần vấn đề thiếu bác sĩ, nhất là ở vùng sâu vùng xa không?

Quá tải bệnh viện tuyến trên cũng là vấn đề kéo dài của ngành y tế. Tuyến trên quá tải, bệnh nhân đi xa tốn kém, đầu tư của nhà nước cho tuyến dưới không hiệu quả. Vừa qua, 1000 bệnh viện tuyến dưới đã được kết nối với các bệnh viện TW. Qua đó, các bác sĩ tuyến trên đã có thể chẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn mổ từ xa. Bà con đã không phải tập trung về Hà Nội, TP HCM và các TP lớn khác.

Ngày 23/12/2020, tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 2, Ban tổ chức đã trao giải nhì ở hạng mục Giải pháp số xuất sắc cho sản phẩm DrAid của VinBrain. Với sự trợ giúp của AI, DrAid có thể chẩn đoán hình ảnh X-quang với độ chính xác cao, trợ giúp đắc lực cho các bác sĩ, nhất là tuyến dưới, trong chẩn đoán hình ảnh.

Chúng ta có hàng trăm ngàn bác sĩ, nếu có thể kết nối họ với các hộ gia đình, mỗi bác sĩ 200-300 hộ, thì mỗi hộ gia đình đều có thể kết nối với bác sĩ của mình, có thể tư vấn khám bệnh từ xa, và như vậy, sẽ dần tiến tới mô hình bác sĩ gia đình kiểu mới.

Kết nối hàng trăm ngàn bác sĩ tới hơn 25 triệu hộ gia đình thì phải là một nền tảng công nghệ số. Mô hình hoạt động ở đây là, nền tảng chỉ cung cấp dịch vụ kết nối và quản lý, không cung cấp dịch vụ tư vấn khám bệnh. Các bác sĩ mới là người cung cấp và chịu trách nhiệm về dịch vụ tư vấn khám bệnh. Nền tảng tạo ra công cụ, giúp hàng ngàn bác sĩ có thể kết nối để tận dụng thời gian, tri thức và kinh nghiệm của mình cho việc tư vấn người bệnh. Và do vậy, huy động thêm các nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển lĩnh vực y tế nước nhà.

Nếu như dữ liệu khám bệnh mấy chục năm qua của tôi được lưu trữ, được phân tích thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ mỗi lần thăm khám, và cả việc để AI tư vấn cho tôi trong sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ. CĐS y tế sẽ giúp hình thành lên con người số y học của mỗi chúng ta. Trên những con người số y học này thì việc khám chữa bệnh, dự báo trước, quản lý y tế quốc gia, chăm sóc y tế cá nhân hoá, v.v… sẽ có thay đổi căn bản và rất căn bản. Những giá trị mới mà nó mang lại sẽ là vô cùng to lớn cho người dân.

CĐS thì càng dùng càng rẻ, càng dùng càng giỏi. 1000 phòng thí nghiệm y tế thì giá gấp 1000 lần giá của 1 phòng thí nghiệm. Nhưng phòng thí nghiệm y tế mô phỏng mà có hàng ngàn trường y sử dụng thì giá sẽ giảm đi rất nhiều. Phòng thí nghiệm mô phỏng thì hàng ngàn người có thể dùng cùng một lúc và có thể sử dụng, thực hành sáng tạo bất kỳ khi nào.

Công nghệ số sinh ra khái niệm nền tảng. Một nền tảng dùng chung cho các bệnh viện, một nền tảng dùng chung cho mọi người bệnh. Không như trước đây, một việc như nhau, một vấn đề giống nhau nhưng được giải quyết bằng hàng ngàn phần mềm khác nhau ở các bệnh viện. Vì sử dụng nền tảng nên sẽ triển khai nhanh, mở rộng nhanh, giá trên đầu người sẽ ngày càng rẻ. Ngành tảng thì dễ dùng, không phải đào tạo nhiều. Chương trình CĐS Quốc gia coi nền tảng là giải pháp chính để đẩy nhanh CĐS. Bộ y tế nên khởi động CĐS bằng một số nền tảng để giải quyết những vấn đề cơ bản nhất của ngành y tế.

CĐS thì sẽ sáng tạo ra các tài sản vô hình. Tài sản vô hình thì vô hạn. Tài sản vô hình thì càng dùng càng không mất đi. Càng dùng càng sinh ra và càng dùng càng rẻ đi. Càng dùng thì càng thúc đẩy sinh ra những tài sản mới, giá trị mới. Các quốc gia phát triển thì tài sản vô hình là chính.

Các nguồn lực vật chất trên toàn cầu đang cạn kiệt. Đối với Việt Nam chúng ta, khi các nguồn lực vật chất còn rất hạn chế, thì việc phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình để phát triển nhanh và bền vững đất nước sẽ là con đường đúng nhất, thậm chí là duy nhất. Công cuộc CĐS y tế mà hôm nay chúng ta đang bàn và đang làm là hướng đi vô cùng tích cực để phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình trong lĩnh vực y tế.

Đại dịch Covid-19 là “cú huých trăm năm”, nhất là đối với ngành y tế. Năm 2020, ngành y tế đã có những thay đổi về CĐS nhiều hơn so với hàng chục năm trước đó. Hãy để những thay đổi mạnh mẽ này không dừng lại mà còn nhanh hơn.

Bộ TT&TT được Thủ tướng Chính phủ giao dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, trong đó có CĐS các ngành. Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình CĐS. Bộ Y tế hãy giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Việt Nam có một lực lượng các DN công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế. Việc 5 năm có thể làm 1 năm.

Hội nghị ngày hôm nay là thể hiện quyết tâm của Bộ Y tế, của ngành Y tế và của cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế, truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về CĐS y tế. Ngành Y tế cũng đã có một bản Kế hoạch hành động về CĐS y tế được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Sự đi đầu của ngành y tế trong CĐS sẽ mang tới những gì thuận tiện nhất, tốt đẹp nhất cho người dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa miền xuôi và miền ngược.

Kính thưa các đồng chí, Khi một cuộc cách mạng xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Nhiều cái mới sẽ phá huỷ cái cũ, hay còn gọi là sự sáng tạo mang tính phá huỷ. Ứng dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính. Ai dám thí điểm cái mới, sớm ứng dụng cái mới, dám cho cái mới một tờ giấy khai sinh, thì người đó mới có cơ hội thành công, bứt phá vươn lên và thay đổi thứ hạng. Nhưng phải là đi trước người khác thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng.

Nhân dịp năm mới, xin được kính chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo và tất cả các đồng chí cùng gia đình! Xin trân trọng cảm ơn và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng