Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển đến đó; bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó. Chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc.
Sứ mệnh của xuất bản vẫn là sáng tạo, lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Tuy thế, muốn sách và xuất bản phát triển, tri thức trở thành sức mạnh dân tộc thì sách phải có nhiều người đọc, tri thức phải lan tỏa, nhân lên. Khuyến đọc là con đường để hiện thực hóa yêu cầu này. Đó là một trong nhiều chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc lần thứ 3, năm 2024 diễn ra ngày 17/4 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cổng Thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Chúng ta đang ở trong không gian cổ kính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, địa điểm trước đây là nơi đào tạo sĩ phu, nhân tài của đất nước, nơi biểu tượng cho tinh thần “tôn sư, trọng đạo, yêu chữ, quý sách” của truyền thống dân tộc.
Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí suy thì thế nước kém và suy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tri thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế”; Người cũng khẳng định: “Trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng. Vì cũng có đầu óc dân tộc và vì học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng”.
Sách và việc đọc sách có vai trò quan trọng bởi còn sách thì còn tri thức.
Lời dạy xưa còn đó. Muốn xã tắc bền vững, đất nước hùng cường thì phải chăm lo dân trí, phát triển đội ngũ trí thức. Trong công việc này, sách và việc đọc sách có vai trò quan trọng bởi còn sách thì còn tri thức. Sứ mệnh của xuất bản vẫn là sáng tạo, lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Tuy thế, muốn sách và xuất bản phát triển, tri thức trở thành sức mạnh dân tộc thì sách phải có nhiều người đọc, tri thức phải lan tỏa, nhân lên. Khuyến đọc là con đường để hiện thực hóa yêu cầu này.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng Ngày Sách 21/4 hàng năm thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, với mục tiêu không chỉ tôn vinh những người viết sách, làm sách mà sâu sắc hơn, tôn vinh bạn đọc, chấn hưng văn hóa đọc.
Bốn thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc: Sách hay cần bạn đọc; Sách quý tặng bạn; Mua sách hay – tặng sách thật; Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe. Xuất bản có nhiệm vụ góp sức mình vào xây dựng hệ tri thức dân tộc, phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển đến đó; bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó.
Năm nay, Lễ khai mạc tổ chức ở Hà Nội, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng mang ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là năm Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô – dấu mốc quan trọng của Thủ đô ngàn năm văn hiến, mở đầu cho giai đoạn mới trong quá trình phát triển của một Thành phố hiện đại, hòa bình, hiện thân của phẩm giá con người. Lễ khai mạc tại Thủ đô sẽ khởi đầu cho chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc trên cả nước để đem đến tinh thần mới: Người dân ở đâu, văn hóa đọc phát triển đến đó; bạn đọc ở đâu, sách phải đến đó.
Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta là: “Phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.
Kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Chính trị, kinh tế, văn hóa là chìa khóa dẫn ngành xuất bản đến thành công.
Tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư, để ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhân dịp này, tôi đề nghị các đơn vị trong toàn ngành cần đổi mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trên tinh thần: Xuất bản trước hết là lĩnh vực văn hóa – chính trị nhưng đồng thời cũng là một ngành kinh tế. Chính trị có sự trợ giúp của Nhà nước; văn hóa có sự trợ giúp của nhân dân; kinh tế có sự trợ giúp của thị trường. Kết hợp hài hòa 3 yếu tố: Chính trị, kinh tế, văn hóa là chìa khóa dẫn ngành xuất bản đến thành công.
Chuyển đổi số đặt yêu cầu mới cho ngành xuất bản là muốn phát triển phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian: Cũ và mới (offline và online). Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ số sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Không gian mới sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển mới trong dài hạn.
Muốn xuất bản phát triển, cần tăng cường truyền thông, quảng bá về sách và văn hóa đọc. Các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng viễn thông cần chung tay ủng hộ, có các hoạt động thiết thực để việc truyền thông, quảng bá không chỉ trong dịp 21/4 này mà sẽ trở thành công việc thường xuyên, liên tục trong năm, để văn hóa đọc lan tỏa, trở thành sức mạnh nội sinh, nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc. Nhân dịp này, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm sâu sắc đối với việc phát triển văn hóa đọc cũng như quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong những năm qua.
Chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc.
Xin chân thành cảm ơn Thành ủy, Ủy ban nhân Thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ để Lễ khai mạc và hội sách diễn ra thuận lợi. Cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương để Ngày Sách và Văn hóa đọc thực sự là ngày hội của toàn dân trên cả nước.
(Theo:vietnamnet.vn)