VI

EN

Sáng tạo tương lai mới của sách

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, còn sách thì còn tri thức, còn loài người. Có rất nhiều công cụ mới để tạo ra tương lai cho sách.

Ngày 21/5/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, đại diện các nhà xuất bản để bàn Chiến lược phát triển ngành Xuất bản giai đoạn 2021-2025 cũng như chương trình hành động của Cục Xuất bản. Những vấn đề căn cốt của sách, văn hóa đọc và cách thức xuất bản được Bộ trưởng đề cập trong bài phát biểu đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Nhân dịp trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ  6 (năm 2023), Cổng thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công cụ tạo ra tương lai của sách là công nghệ số. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Mọi người đọc sách ít đi nhưng đọc thì không ít đi. Thời gian đọc có xu thế tăng lên. Nhưng thời gian đọc tin tức, chia sẻ thông tin trên mạng tăng mạnh. Và vì thế, thời gian dành cho sách ít đi. Câu chuyện này khá giống câu chuyện của báo chí khi xuất hiện mạng xã hội. Cách đọc khác đi thì cách làm sách cũng phải khác đi.

Bây giờ có quá nhiều sách thì việc chính lại là lọc và tìm đúng quyển sách để đọc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Trước đây có rất ít sách thì việc chính là có sách để đọc. Bây giờ lại có quá nhiều sách thì việc chính lại là lọc và tìm đúng quyển sách để đọc. Mỗi người trong số hàng tỷ người đều có nhu cầu đi tìm đúng quyển sách để giải quyết nhu cầu, vấn đề của mình. Vậy thì ngành xuất bản của chúng ta sẽ làm gì?

Trước đây, chúng ta có ít vấn đề hơn, có ít mối quan tâm hơn và vì thế, thời gian dành cho sách nhiều hơn. Bây giờ, quá nhiều mối quan tâm, nhưng thời gian mỗi ngày vẫn là 24h và vì vậy, thời gian dành cho mỗi vấn đề bị ít đi. Thời gian dành cho sách cũng ít đi. Vậy, sách có nên dài hàng ngàn trang, hàng trăm trang nữa không? Và nếu vẫn phải dài thế thì có nên có phiên bản hỗ trợ ngắn hơn hoặc có công cụ tìm kiếm để giúp người đọc nhanh chóng nắm được ý chính rồi khi nào có thời gian sẽ đọc kỹ hơn không? Nếu có thể làm cho ngắn hơn, cho có liên quan hơn, chất lượng nội dung cao hơn mỗi người mỗi năm thay vì chỉ đọc vài cuốn sách có thể đọc vài chục cuốn không?

Một quyển sách có nhiều đối tượng đọc, người đọc cũng đọc bằng các phương tiện khác nhau (mà di động ngày càng là chủ yếu). Vậy có nên có những phiên bản khác nhau của cùng một cuốn sách cho các đối tượng khác nhau, cho các phương tiện đọc khác nhau không? Nếu không có công nghệ, không có môi trường số, không có sách điện tử, việc này không dễ và tốn kém. Nhưng nếu dễ và rẻ, ta có làm không?

Trước đây, mỗi năm có một số ít sách mới; vì thế, có quyển sách cả triệu người đọc và trở thành nhận thức chung của cả xã hội. Vì vậy mà tạo thành sức mạnh quốc gia, dân tộc. Nay, mỗi năm có tới gần 40.000 đầu sách, mỗi đầu sách cũng chỉ in vài ngàn quyển và vì thế, không có quyển sách nào có triệu người đọc, không có quyển sách nào thành nhận thức chung của xã hội, không tạo thành sức mạnh quốc gia. Vậy, làm cách nào chúng ta vẫn có những quyển sách có sức lan toả triệu người như trước đây không?

Trước đây, rất khó đưa sách đến mọi người ở vùng sâu, vùng xa. Trước đây, sách cũng rất đắt để bà con nông dân có thể mua được. Thì nay với sự hỗ trợ của công nghệ số, bài toán này có dễ giải hơn không? Giải được bài toán này sẽ là một bước tiến vĩ đại. Vậy là thời đại mới không chỉ đặt ra khó khăn mới cho chúng ta mà còn tạo ra những cơ hội mới, giải quyết được những vấn đề thiên niên kỷ. Cũng là do cách mà chúng ta nhìn vấn đề thôi. Vậy sách điện tử có phải là lời giải không, khi mà 44% dân số thế giới đã đọc online?

Ông Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Nguyễn Mạnh Hùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT trao giải A cho các tác giả. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trước đây, không có nhiều nhà xuất bản như bây giờ nhưng lại có nhiều sách hay, có nhiều người đọc. Chúng ta có nên quay lại ít nhà xuất bản không? Nếu ít nhà xuất bản thì có đáp ứng được nhu cầu phong phú, cá thể hoá của người dân không? Vậy đâu là lời giải đúng? Có phải là vẫn nhiều nhà xuất bản nhưng phải có một số chủ lực không?

Sách điện tử có phải lời giải không, khi mà 44% dân số thế giới đã đọc online?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Câu chuyện sách và vấn đề của lĩnh vực xuất bản thời đại số này có phải là câu chuyện riêng của Việt Nam không hay là câu chuyện toàn cầu? Nếu là câu chuyện toàn cầu thì những kinh nghiệm hay của thế giới là gì? Chúng ta đã tìm hiểu và học hỏi chưa? Thế giới thay đổi nhanh như bây giờ thì không có ai là người giỏi nhất. Nhưng người mà biết ai giỏi nhất cái gì và học hỏi có thể là người giỏi nhất. Cục Xuất bản, lĩnh vực xuất bản có nên sử dụng cách tiếp cận này không?

Trước đây, có một cách đọc duy nhất là đọc sách. Bây giờ, mọi người có rất nhiều cách đọc. Đọc báo. Đọc tạp chí. Đọc trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Thay vì tự đọc thì nghe người máy đọc. Thay vì đọc chữ là chính thì đọc truyện tranh. Thay vì đọc trước để chuẩn bị khi cần là dùng được ngay thì bây khi cần mới đọc. Đọc sách điện tử nhiều hơn. Đọc sách mạng nhiều hơn. Đọc Infographic nhiều hơn… Nhiều cách đọc như thế, sách có đi vào những cách mới này không? Đi vào những cách mới này có mất sách không? Nếu ta xem sách là tri thức thì không sao, vì có nhiều cách mới hiệu quả để phổ biến tri thức. Nếu ta xem sách là tạo cảm xúc thì sao? Chắc đọc sách theo cách truyền thống cũng không phải cách đọc duy nhất để tạo ra hay truyền đi cảm xúc (đến 82% nội dung online hiện nay là hình ảnh). Vậy thì phải chăng, sách vẫn tiếp tục là sách và có những biến hoá mới phù hợp với thời đại?

Cái cần giữ lại, cái bất biến là mục tiêu, là sứ mệnh chứ không phải phương tiện thực hiện. Mục tiêu, sứ mệnh vẫn là lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách cần có những đổi mới. Sách là một khái niệm mở và phát triển. Chế tác và nhân bản sẽ phụ thuộc vào môi trường sống và sự phát triển của khoa học công nghệ. Những đổi mới này tôi tin là sẽ giúp lĩnh vực xuất bản thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn.

Đọc nhiều thì mỏi mắt, đọc nhiều trên máy tính còn mỏi mắt hơn. Có khi nào, người làm sách nghĩ đến việc in ấn cỡ chữ bao nhiêu, nguyên liệu in gì để đọc sách đỡ mỏi mắt hơn không? Cầm quyển sách mà cụ mình, ông mình, bố mình đã từng cầm trong tay, từng đọc và lật từng trang sách, và có cả những suy nghĩ viết ra vội vàng khi đọc, chắc cảm xúc và nhận thức của ta cũng có khác. Vậy có nên có những quyển sách in mà tồn tại được hàng trăm năm không? Làm sách bây giờ chắc phải nghĩ đến nhiều thứ hơn trước đây.

Người Việt Nam yêu sách.Vậy đóng góp của cộng đồng, của xã hội cho một quỹ về sách có góp phần giải quyết những khó khăn của sách, những vấn đề dài hạn của sách không?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Trước đây, các công đoạn của sách, những người liên quan đến sách là độc lập với nhau, hết công đoạn này rồi mới đến công đoạn khác: Người viết sách, người in sách, người phát hành sách, người đọc, người lưu trữ sách,…  Nếu bây giờ những người này ngồi với nhau ngay từ đầu sẽ thế nào? Phát triển phần mềm cũng là một sự sáng tạo. Trước đây, họ cũng tìm hiểu nhu cầu rồi đến thiết kế, rồi đến lập trình, rồi kiểm thử, rồi bán hàng, rồi người dùng phản hồi,… Bây giờ, họ sáng tạo theo cách Agile, tức là mọi người bàn với nhau từ đầu, cùng nhau sáng tạo. Sách có thể như vậy không? Nhà xuất bản có thể trở thành một nền tảng số (digital platform) để người đọc trở thành người viết không?

Bí thư TW Đảng, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (hàng đầu, thứ 3 và thứ 4 từ trái) tại Lễ trao giải Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ 6. (Ảnh: Lê Anh Dũng).

Sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử nhân loại có lẽ là sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Mọi thứ thực rồi sẽ có một phiên bản số. Sẽ có cả những thứ có trên môi trường số mà không có trong thế giới thực. Trong môi trường số ấy, mọi thứ sẽ có một đời sống mới, một cách thức quan hệ mới và có những giá trị mới được tạo ra theo một cách mới. Chúng ta gọi sự di chuyển này là chuyển đổi số. Vậy chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản là thế nào? Những vấn đề, những câu hỏi được nêu ở trên đều liên quan đến chuyển đổi số.

Kinh tế thị trường thì nhịp sống nhanh hơn, bị thúc đẩy bởi vật chất và ngắn hạn nhiều hơn. Vậy đời sống tinh thần của người dân và các vấn đề dài hạn sẽ thế nào? Có phải vai trò của nhà nước là ở đây không? Nhà nước “nhìn xa, trông rộng” hơn, đầu tư cho dài hạn nhiều hơn. “Nhìn xa, trông rộng” thông qua thể chế và đầu tư cho dài hạn của ngành xuất bản là gì? Người Việt Nam yêu sách, vậy đóng góp của cộng đồng, của xã hội cho một qũy về sách có góp phần giải quyết những khó khăn của sách, những vấn đề dài hạn của sách không?

Công cụ tạo ra tương lai của sách là công nghệ số. Một công cụ nữa, còn được coi như một nguồn lực, đó là thể chế và chính sách. Sự sáng tạo thể chế và chính sách cho sách cũng là vô hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Chúng ta nghĩ khác đi về sách chính là tương lai của sách. Tương lai ấy do chúng ta sáng tạo ra. Tương lai ấy có sáng lạn không? Mọi tương lai sẽ đều sáng lạn nếu chúng ta thay đổi. Chúng ta ngồi đây hôm nay là nói về, bàn về sự thay đổi của sách, của lĩnh vực xuất bản. Chúng ta ngồi đây hôm nay là để sáng tạo ra tương lai mới của sách. Trong tay chúng ta có rất nhiều công cụ mới để tạo ra tương lai cho sách. Đó là công nghệ số, là các công nghệ của cuộc CMCN 4.0. Và chúng ta còn có một công cụ nữa, còn được coi như một nguồn lực, đó là thể chế và chính sách. Sự sáng tạo thể chế và chính sách cho sách cũng là vô hạn.

Sáng tạo tương lai thì không chỉ nhìn về tương lai mà còn là nhìn vào quá khứ. Những cái tốt bị lãng quên thì sao? Đã có rất nhiều cái tốt bị chúng ta lãng quên và không ít cái mới được sáng tạo ra lại ở mức trung bình. Chương trình trên VTV “Mỗi ngày một cuốn sách” có phải là một cái tốt bị lãng quên không? Làm cho cái tốt bị lãng quên tái sinh trong một hoàn cảnh mới có phải là một sự sáng tạo không? Ngành xuất bản của chúng ta nếu nhìn vào kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại sẽ tìm thấy không ít cách tiếp cận, lời giải cho những vấn đề mới. Những cái tốt bị lãng quên có giống như kho báu bị lãng quên không? Có ai đấy nói, khi đi nhà thơ thì nhìn lên, nhà văn thì nhìn ngang, nhà triết học thì nhìn xuống. Vậy chúng ta đi tới tương lai có cần cả nhìn xuống, nhìn ngang và nhìn lên không?

Các nhà xuất bản, nhà in, các công ty phát hành sách chính là những người tạo ra tương lai cho sách.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Cục Xuất bản của Bộ TT&TT phải là người định hướng, dẫn dắt, tạo ra thể chế và chính sách, tạo ra những nền tảng ban đầu cho sự chuyển đổi này. Các nhà xuất bản, nhà in, các công ty phát hành sách chính là những người tạo ra tương lai cho sách. Có một cái có thể làm ngay và dễ làm là hãy mang những xu thế của thời đại số mà nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng thành công cả chục năm nay, vào ngành xuất bản. Nếu chúng ta không làm nhanh thì các công ty công nghệ hoặc các công ty sử dụng công nghệ sẽ thay chỗ của chúng ta.

Còn sách thì còn tri thức. Còn sách thì còn loài người.

(Theo Vietnamnet.vn)