Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chưa bao giờ các nhà mạng có những chuyển dịch quan trọng như thế này, có sứ mệnh lớn lao đối với sự phát triển của đất nước như thế này.
Cổng thông tin điện tử Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trân trọng giới thiệu phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Quân chính của Viettel tổ chức ngày 12/1/2024. |
Xin chúc mừng Viettel vì những thành tích nổi bật năm 2023 và sự kế thừa những giá trị cốt lõi của Tập đoàn. Cũng xin được chúc mừng đồng chí Tào Đức Thắng đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội thăng quân hàm Thiếu tướng ngày 30/12/2023.
Tôi rời Viettel đã hơn 5 năm, đã sang năm thứ 6. Đây là lần đầu tiên tôi dự tổng kết năm của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel với tư cách là Bộ trưởng Bộ TT&TT.
Năm nay, Bộ trưởng trực tiếp dự tổng kết năm của một số doanh nghiệp viễn thông là để định hướng các doanh nghiệp viễn thông chủ chốt của Nhà nước đầu tư mạnh mẽ vào các hạ tầng viễn thông thế hệ mới (hạ tầng số), phát triển các ứng dụng số, để tạo nền tảng mới, động lực mới cho phát triển đất nước.
Trong phát biểu hôm nay, tôi sẽ nhắc lại một số thông tin, bối cảnh, xu hướng và định hướng phát triển lĩnh vực viễn thông – công nghệ thông tin – công nghệ số. Những nội dung này đã được đề cập trong một vài phát biểu gần đây với các doanh nghiệp viễn thông. Nhưng tôi thấy vẫn cần phải nhắc lại.
Những dịch vụ truyền thống của Viettel vẫn đang chiếm tới trên 30% thì phải chuẩn bị là nó sẽ giảm xuống dưới 10%. Nếu không sớm mở ra không gian mới thì sẽ không có tương lai.
Về viễn thông trong nước, các nhà mạng vẫn chưa có sự phát triển bứt phá, chưa thấy những đường hướng chiến lược, những quyết tâm chiến lược mạnh mẽ để mở ra được một giai đoạn phát triển mới. Tăng trưởng những năm gần đây của các nhà mạng là thấp, thấp hơn tăng trưởng GDP (viễn thông trong nước của Viettel tăng từ 2-5%, VNPT từ 2-3%, MobiFone thì giảm từ 4-10% mỗi năm). Một nhà mạng viễn thông thế hệ mới mà tăng trưởng tốt là phải xung quanh 10%, tăng trưởng mức đạt yêu cầu thì cũng phải trên 5%.
Đất nước phát triển thì phải dựa vào không gian mới. Không gian phát triển mới thì chủ yếu là không gian số. Không gian mới thì cần hạ tầng mới. Đó là hạ tầng số. Các nhà mạng chủ chốt, trong đó có Viettel, đã chưa đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số để tạo nền tảng cho phát triển đất nước – phát triển kinh tế số (KTS).
|
Các nhà mạng cũng chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ đã hết dư địa. Thậm chí suy giảm. Thí dụ như các dịch vụ truyền thống là thoại và SMS, đã từng chiếm gần 100% doanh thu di động của nhà mạng, thì cơ bản sẽ giảm xuống chỉ còn dưới 10%. |
Những dịch vụ truyền thống này của Viettel vẫn đang chiếm tới trên 30% thì phải chuẩn bị là nó sẽ giảm xuống dưới 10%. Nếu không sớm mở ra không gian mới thì sẽ không có tương lai.
Tôi xin phép phát biểu một số ý thế này.
Thứ nhất là về những chuyển dịch quan trọng của ngành
10-20-30 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của lĩnh vực viễn thông – CNTT – Công nghệ số: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng nền kinh tế số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang công nghệ số; từ tự động hoá sang thông minh hoá, sang trí tuệ nhân tạo; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Make in Vietnam (thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam); từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ; từ doanh nghiệp khai thác sang doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ứng dụng số; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính.
Các chuyển dịch này cũng chính là định hướng phát triển của các nhà mạng.
Chưa bao giờ các nhà mạng có những chuyển dịch quan trọng như thế này, có sứ mệnh lớn lao đối với sự phát triển của đất nước như thế này. Chúng ta phải nhận thức sâu sắc, nắm chắc nó như kim chỉ nam, như ngôi sao dẫn lối. Người đứng đầu thì càng phải nắm chắc để dẫn dắt một tập đoàn lớn, một tập đoàn quan trọng của đất nước. Chuyển đổi luôn là việc đầu tiên và quan trọng nhất của người đứng đầu. Một tổ chức chậm đổi mới, không theo kịp các xu thế mới thì đầu tiên là lỗi của người đứng đầu.
Chưa bao giờ lĩnh vực viễn thông – CNTT – Công nghệ số lại có ảnh hưởng mang tính quyết định lớn đến như vậy đối với sự phát triển của một quốc gia.
Chuyển đổi thường là việc khó nhất của một tổ chức, tổ chức càng lớn thì càng khó. Khó là vì chuyển đổi thì chưa mạng lại giá trị ngay, lại chưa biết có thành công hay không, trong khi cái cũ thì quá lớn, lại đang rất ổn. Nhưng đó là ổn trong ngắn hạn. Còn trong trung và dài hạn, nếu như nhà mạng không chuyển đổi, không mở ra không gian mới thì sẽ không có tương lai. Nhưng cái quan trọng hơn ở đây là, đất nước cũng vì vậy mà không phát triển được. Chưa bao giờ lĩnh vực viễn thông – CNTT – Công nghệ số lại có ảnh hưởng mang tính quyết định lớn đến như vậy đối với sự phát triển của một quốc gia.
Thứ hai là về khái niệm hạ tầng số của Việt Nam
Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Định nghĩa trên cũng mở ra các không gian mới của nhà mạng. Các không gian mới này đều không nhỏ hơn viễn thông.
Các nhà mạng phải luôn ghi nhớ, nghề chính của mình là nghề hạ tầng, sức mạnh chính của mình là sức mạnh hạ tầng, trách nhiệm chính của mình với đất nước là trách nhiệm hạ tầng, lợi thế cạnh tranh chính của mình là hạ tầng, sứ mệnh chính của mình là sứ mệnh hạ tầng để những người khác, doanh nghiệp khác đứng trên vai mình mà kinh doanh, chứ không phải một mình mình đứng trên hạ tầng của mình. Nhà mạng hạ tầng viễn thông, hạ tầng số của Việt Nam có nhiều thì cũng không quá 10 công ty, nhưng làm ứng dụng CNTT thì có hàng nghìn, hàng chục nghìn công ty. Định vị đúng vẫn luôn là việc đầu tiên của một doanh nghiệp.
Nguồn thu chính của một nhà mạng, một doanh nghiệp hạ tầng là đến từ các dịch vụ thuê bao đăng ký, thu phí hàng tháng, chứ không phải từ các dự án thu tiền một lần.
Thứ ba là về triển khai 5G và cách kinh doanh 5G
Năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc. Nếu 4 năm trước đây mà triển khai 5G thì thiết bị rất đắt, có làm thì cũng chỉ nên phủ sóng 20-30% dân số, phủ sóng ở các thành phố. Nhưng nay, sau 4 năm, giá thiết bị giảm chỉ còn 1/4, vậy nên, vẫn với số tiền ấy, chúng ta có thể phủ sóng 100%. Vậy, chúng ta hãy lập kế hoạch để phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2024, hãy sử dụng 5G SA ngay, không cần phải đi qua giai đoạn trung gian 4,5G (5G NSA).
|
Một nhà mạng muốn phát triển bền vững thì mỗi năm phải đầu tư 15-20% doanh thu cho mạng lưới, với Viettel thì mỗi năm phải đầu tư xung quanh 15.000 tỷ đồng cho mạng lưới. Một số nhà mạng Việt Nam những năm gần đây đầu tư ít nên chất lượng mạng lưới chưa thật tốt. |
Chất lượng di động 4G của các nhà mạng Việt Nam là không cao: Tốc độ tối thiểu chỉ đạt 10-15Mbps (cao là phải 30Mbps), tốc độ trung bình chỉ đạt 30-40Mbps (cao thì phải trên 50Mbps), xếp hạng Việt Nam là 55-60/140 nước. Đây chưa phải mức cao của thế giới, chưa đạt mục tiêu hạ tầng đi trước một bước để phát triển đất nước. Viettel sắp tới làm 5G thì phải đặt mục tiêu tốc độ tối thiểu 100Mpbs và trung bình trên 300Mbps.Một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, phủ sóng sâu vào trong nhà, tốc độ cao thì cứ mỗi 1.000 dân là có một trạm phát sóng. Mạng di động của Viettel thì 2.000 dân mới có 1 trạm phát sóng. 50.000 vị trí phát sóng của Viettel là chưa đảm bảo chất lượng cho di động, nhất là 5G. Tăng thêm 40-50.000 vị trí phát sóng mới sẽ là một thách thức lớn cho Viettel. Nhất là có dám tin, đầu tư lớn như vậy nhưng lợi nhuận không những không giảm mà còn lớn hơn. Có niềm tin này, có cơ sở lý luận cho niềm tin này thì mới dám làm.
Viettel phải làm trước thì các nhà mạng khác mới đi theo. Cũng giống như gần 20 năm về trước, khi các nhà mạng khác đi trước Viettel 10 năm mà chỉ có 7-800 trạm phát sóng, thì Viettel ngay từ những năm đầu tiên đã triển khai ngay 4.000 trạm phát sóng, lớn hơn 4-5 lần các nhà mạng đi trước, và vì vậy đã tạo ra sự bùng nổ di động của Việt Nam. Chỉ sau 4 năm, mật độ di động của Việt Nam tăng từ 4% lên 100%, và Viettel thì trở thành số 1. Các nhà mạng VinaPhone, MobiFone thì cũng không ai nhỏ đi, không ai lỗ, mà đều lớn lên cả, vì miếng bánh to hơn. Và điều quan trọng hơn cả là đất nước, người dân được nhờ. Xếp hạng hạ tầng di động thì có lúc đã vào top 30.
Kinh doanh 2/3/4G thì chủ yếu là B2C, cung cấp dịch vụ cho người dân. Là kinh doanh những dịch vụ mà người dân đã biết là thoại, nhắn tin và data. Nhà mạng không phải đầu tư nhiều để nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới. Nhưng 5G thì B2B sẽ là chính. Nhà mạng phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G để bán cho doanh nghiệp, để chuyển đổi số các doanh nghiệp, các ngành.
Chủ đề năm 2024 của Bộ là: Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số – Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết chuyển đổi số, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành để bán cho họ. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển chuyển đổi số, kinh tế số rất chậm.
Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Nhà mạng China Mobile của Trung Quốc một năm chi tới 4 tỷ USD, khoảng 3-4% doanh thu (các nhà mạng Việt Nam thì đang ở mức 0,1%) để phát triển các ứng dụng, các Use Case, cho các ngành, nhất là các ngành công nghiệp. Họ đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp, và doanh thu hàng năm của China Mobile vì thế mà tăng trên 10%. Thị trường các ứng dụng 5G toàn cầu sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới trên 50% so với năm 2020, trung bình mỗi năm tăng 10%. Đây là không gian mới quan trọng của nhà mạng.
Chúng ta cũng phải chú ý, không có 5G thì không có tăng trưởng 10% mỗi năm, nhưng tăng trưởng 10% thì không chỉ là 5G mà là một hệ sinh thái ứng dụng 5G.
Viettel hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực.
Viettel hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Viettel từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số công nghiệp.
Phát triển kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển kinh tế số các ngành. Viettel làm 5G và các ứng dụng số công nghiệp 5G cũng chính là góp phần tăng năng suất lao động cho quốc gia.
5G cũng sẽ thúc đẩy IoT. Nếu phát triển tốt thì đến 2025, Việt Nam phải có 100 triệu thuê bao IoT, đến 2030 thì ít nhất là 200 triệu. Không phát triển được thuê bao di động thì hãy tập trung phát triển thuê bao IoT, không gian ở đây là 200 triệu thuê bao mới và lớn hơn. Nhưng không phải tự nhiên mà có được các thuê bao này, Viettel phái phát triển các ứng dụng làm bùng nổ IoT.
Năm 2024 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử cũng chính là cơ hội để cho Viettel chuyển từ một doanh nghiệp công nghiệp – viễn thông thành một doanh nghiệp công nghệ.
Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất, thì việc xử lý dữ liệu, tức là chip bán dẫn, sẽ tiếp tục là trọng yếu.
Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gen về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gen là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn, một bức tranh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết kế chip bán dẫn thì chỉ có 60 tỷ USD mỗi năm, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn thì là 600 tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ USD, còn ngành công nghiệp chuyển đổi số thì lên tới 20.000 tỷ USD, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát triển công nghệ bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử-viễn thông, thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,…), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số. Công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam với 100 triệu dân là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn.
Viettel nếu muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, thì phải làm có tầm nhìn lớn hơn và một quyết tâm lớn hơn.
Viettel nếu muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, thì phải làm có tầm nhìn lớn hơn và một quyết tâm lớn hơn. Phải làm chủ đến mức nghiên cứu sản xuất chip trong các thiết bị điện tử của mình. Ngành công nghiệp điện tử đang lớn gấp 3 lần viễn thông. Ngành công nghiệp chuyển đổi số thì lớn hơn 20 lần viễn thông. Hãy nhìn vào đây nhiều hơn là nhìn vào những phân đoạn chưa đến 5%, chưa đến 10% viễn thông – là những phân đoạn vừa nhỏ lại vừa đông người. Tất nhiên, những phân đoạn này lại hấp dẫn ở chỗ đã quen, dễ làm. Nhưng đã là doanh nghiệp lớn thì phải nhìn vào những không gian lớn hơn, khó hơn và để lại những không gian nhỏ hơn, dễ hơn cho người khác.
Năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo. AI thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Con người thì ngược lại, càng nhiều dữ liệu thì càng ngây ngô (còn gọi là “tẩu hoả nhập ma”), càng ít dữ liệu thì càng thông minh. Vậy nên, cứ việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để AI làm. Hàng trăm nghìn văn bản các loại trong hệ thống của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Và số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Do vậy, lời giải duy nhất ở đây là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ. Số nhỏ thì cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sự sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Và con người mà làm việc này thì thấy hạnh phúc, vui vẻ làm. Số mà lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm, có xu thế thoái thác. Trước đây thì chẳng có cách nào, cứ phải cố mà làm. Nay, đã có AI làm thay được, lại làm tốt hơn nhiều, vậy thì năm 2024 này, Viettel hãy phát triển các trợ lý ảo để giúp các bộ ngành và địa phương chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.
Cán bộ công chức nhà nước hiện nay đang rất vất vả. Lương thì không cao, quy định thì quá nhiều, không thể nhớ hết, hiểu hết, vì vậy mà rủi ro cũng cao. Nhiều cán bộ công chức bây giờ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định, đó là chưa nói đến việc các văn bản này còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc có cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Một nền tảng làm việc số, hoặc một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức, để ít nhất 70-80% công việc, những công việc đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy định, xử lý nhiều dữ liệu thì sẽ do trợ lý ảo làm hộ. Làm được như vậy thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo. Bộ TT&TT đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức (Viettel đang làm); Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật (CMC đang làm); Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân (VNG đang làm); Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán (Viettel làm và đã được đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giảm thời gian xử án 30% và nâng cao chất lượng).
AI là công nghệ cốt lõi nhất của CMCN lần thứ tư. AI sẽ thâm nhập vào mọi hoạt động của đời sống KT-XH. Rồi mỗi người sẽ có một trợ lý ảo của mình dưới dạng dịch vụ. Viettel đã là nhà mạng số 1 của Việt Nam thì cũng phải là công ty AI số 1 của Việt Nam.
Cái gì tốt rồi cũng không tốt mãi. Cái gì là chính rồi cũng không còn là chính nữa. Cái gì thành công rồi cũng sẽ không mãi thành công. Kinh nghiệm ngày hôm qua có thể lại là trở ngại cho ngày hôm nay. Bởi vậy, tìm kiếm không gian mới phải là một việc thường xuyên, liên tục của Viettel.
10 năm đầu tiên, từ năm 1990 đến năm 2000, Viettel là công ty thương mại và xây lắp các công trình viễn thông. 10 năm tiếp theo, từ năm 2000 đến năm 2010, Viettel là doanh nghiệp dịch vụ viễn thông. 10 năm thứ ba, từ năm 2010 đến năm 2020, Viettel là tập đoàn công nghiệp. Cả ba chặng đường này, Viettel luôn là số 1.
10 năm thứ tư, từ năm 2020 đến năm 2030, Viettel sẽ phải viết nên một trang mới, đó là một tập đoàn toàn cầu về công nghệ số, tham gia tích cực vào 2 chuyển đổi lớn nhất mang tính thế kỷ của nhân loại là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Viettel phải đi xuống tầng dưới cùng là phát triển công nghệ nguồn. Hãy để những người khác đứng trên vai mình, hãy tạo ra những công nghệ, nền tảng để người khác dựa trên đó mà sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội.
Để phát triển nhanh và bền vững thì Viettel phải lấy công nghệ số làm lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số làm nguồn lực cơ bản và đổi mới sáng tạo số làm động lực cơ bản.
Việc nghiên cứu phát triển, việc chi 2-3% doanh thu cho nghiên cứu phát triển để tìm hướng đi mới, tìm kiếm và thử nghiệm không gian mới, để sáng tạo các ứng dụng mới, các sản phẩm và dịch vụ mới sẽ đảm bảo, và chỉ có nó mới đảm bảo cho Viettel có tương lai. Viettel phải đặt mục tiêu tăng trưởng viễn thông trong nước trên 10% mỗi năm và sau đó tìm cách thực hiện.
Một mục tiêu đặt ra cho tương lai mà đã biết kế hoạch thực hiện thì đó không phải một mục tiêu thách thức. Nếu mục tiêu đặt ra mà chưa biết làm thế nào thì đó là một mục tiêu có thách thức và đáng là một mục tiêu.
Hãy luôn ghi nhớ và tự hào, Viettel là doanh nghiệp hạ tầng quốc gia, và đặc biệt, là doanh nghiệp xây dựng hạ tầng mới cho sự phát triển mới của đất nước.
Viettel hãy mạnh mẽ hơn nữa trong các quyết tâm chiến lược, vừa là để phát triển chính mình, vừa góp phần phát triển đất nước. Hãy luôn ghi nhớ và tự hào, Viettel là doanh nghiệp hạ tầng quốc gia, và đặc biệt, là doanh nghiệp xây dựng hạ tầng mới cho sự phát triển mới của đất nước, đó là kinh tế số. Viettel còn là một doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ của Việt Nam. Làm công nghiệp và công nghệ thì hãy luôn nhớ, dân sinh là 90% còn quân sự chỉ 10%.
Nhân dịp năm mới 2024 và Tết Giáp Thìn, xin được kính chúc các đồng chí đại biểu, khách quý, các thế hệ lãnh đạo và nhân viên Tập đoàn Viettel, dồi dào sức khoẻ, nhiều niềm vui trong công việc và cuộc sống, tạo ra nhiều thành tích mới để đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
(Theo Vietnamnet.vn)