Cổng tri thức khoa học công nghệ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT vừa khai trương là một trong những công cụ số hỗ trợ giảng viên, sinh viên PTIT trong học tập và nghiên cứu khoa học.
Chiều ngày 15/5, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT, đã tổ chức lễ ra mắt cổng tri thức khoa học công nghệ PTIT.
Là hoạt động hiện thực hóa chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Học viện, cổng tri thức khoa học công nghệ PTIT tại địa chỉ trithuc.ptit.edu.vn được xây dựng hướng tới 3 mục tiêu chính, bao gồm: Tạo lập không gian tập trung và lưu trữ các nguồn thông tin, tri thức chất lượng cao trên môi trường số nhằm phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu; Nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; Chia sẻ tri thức cho cộng đồng và khuyến khích phát triển giáo dục mở, học tập suốt đời.
Phát biểu tại sự kiện ra mắt cổng tri thức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tiếp cận và ứng dụng tri thức khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng với sự phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức và đất nước. “Hiểu rõ điều này, Học viện đã và đang nỗ lực xây dựng một môi trường học tập hiện đại, hiệu quả, trong đó lấy tri thức làm trọng tâm, ứng dụng CNTT là then chốt”, Tiến sĩ Trần Quang Anh khẳng định.
Đại diện lãnh đạo Học viện cũng cho biết, cổng tri thức khoa học công nghệ PTIT là một sản phẩm được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, để tạo lập một không gian lưu trữ các nguồn thông tin, trí thức chất lượng cao trên môi trường số, phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên của nhà trường.
Cổng tri thức khoa học công nghệ PTIT được phát triển gồm các kho tri thức cùng những nguồn tài liệu học thuật như: Các bài báo nghiên cứu khoa học tiêu biểu của giảng viên, nghiên cứu viên Học viện đã được công bố trên các nhà xuất bản, tạp chí quốc tế uy tín; Các sản phẩm nghiên cứu khoa học nổi bật do Học viện thực hiện đã được ứng dụng trong thực tế; Những chia sẻ nghiên cứu khoa học từ các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài Học viện; Các khóa học mở đại trà – MOOCs theo các lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, cổng tri thức mới còn có các công cụ hỗ trợ học tập và nghiên cứu cũng như phát triển cộng đồng học thuật.
“Cổng tri thức khoa học công nghệ PTIT được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên Học viện. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, cổng tri thức sẽ ngày càng phát triển và trở thành một nguồn tài nguyên quý giá cho cộng đồng học thuật”, Tiến sĩ Trần Quang Anh chia sẻ.
Trong thời gian qua, nhiều công cụ số đã được Học viện xây dựng và triển khai để hỗ trợ các sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên nhà trường, cụ thể như nền tảng đại học số S-Link; hệ thống thực hành ảo D-Lab hay trợ lý ảo dành cho sinh viên PTIT Ami…
Các hoạt động chuyển đổi số của Học viện đã và đang mang lại nhiều trải nghiệm mới, đồng thời góp phần giúp các sinh viên của trường có thêm những kỹ năng mới.
Theo thống kê, đến nay, nền tảng S-Link đã có hàng vạn tài khoản, hàng triệu thông tin và hàng chục triệu tương tác; trợ lý ảo PTIT Ami cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của các sinh viên.
Đặc biệt, hệ thống thực hành ảo D-Lab hiện đã có hơn 16.000 tài khoản, trên 3.000 bài tập thực hành kỹ năng lập trình, hàng chục nghìn lượt nộp bài tập mỗi ngày. Học viện cũng đã tổ chức giảng dạy trên 700 lớp học phần, hơn 3.000 ca thực hành trực tuyến, với sự tham gia của hơn 80 giảng viên.
Đến nay, hệ thống D-Lab ghi nhận gần 10 triệu lượt bài tập thực hành kỹ năng lập trình do sinh viên các ngành kỹ thuật nộp khi học tập trên hệ thống. D-Lab còn được thiết kế để tổ chức các kỳ thi Olympic tin học sinh viên, các kỳ lập trình theo chuẩn quốc tế với sự tham gia trên 2.000 thí sinh cùng một thời điểm.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/