Dẫn nhập
Dữ liệu mở là một khái niệm không mới nhưng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa khi tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Một định nghĩa chính thức về dữ liệu mở vẫn còn là một điều khá mới mẻ. Phần lớn định nghĩa cho rằng: “Dữ liệu mở là dữ liệu mà bất cứ ai cũng có thể truy cập, sử dụng hoặc chia sẻ theo một giấy phép mở”, bao gồm một phiên bản định nghĩa ngắn gọn có thể truy cập được và tham chiếu đến định nghĩa chính thức. Có rất nhiều tổ chức và cơ quan thông tin trên thế giới đã và đang tham gia vào trào lưu dữ liệu mở, trong đó có các thư viện. Họ đã đóng góp vào xu hướng lan rộng của dữ liệu mở thông qua việc lưu trữ và quản lý chúng ngày càng hiệu quả hơn. Điều này vừa tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đem lại không ít thách thức cho các thư viện trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay.
1. Khái quát về dữ liệu mở
Dữ liệu mở là dữ liệu phải được tự do sẵn có cho mọi người sử dụng và tái xuất bản theo ý muốn, không bị hạn chế bởi bản quyền, bằng sáng chế hoặc các cơ chế kiểm soát khác. Mục tiêu của phong trào dữ liệu mở có nhiều điểm tương đồng với các phong trào “mở” khác như mã nguồn mở, phần cứng mở, nội dung mở, chính phủ mở, truy cập mở và khoa học mở. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của phong trào dữ liệu mở lại được song hành cùng với sự gia tăng của quyền sở hữu trí tuệ.
Triết lý của dữ liệu mở đã được thiết lập từ lâu (như trong khoa học truyền thống Mertonian), nhưng thuật ngữ “dữ liệu mở” chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây, được biết đến nhiều với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và World Wide Web và đặc biệt là với sự ra đời các sáng kiến chính phủ mở dữ liệu như Data.gov và Data.gov.uk. Dữ liệu mở cũng được xem là dữ liệu được liên kết và thường được gọi là dữ liệu mở liên kết (linked open data) [9].
Dữ liệu mở hỗ trợ mật thiết cho quá trình truy cập mở. Khi các tư liệu hàn lâm được phổ biến cho toàn xã hội, chẳng hạn như dưới dạng các nguồn tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER), thì cũng là lúc dữ liệu mở được lan rộng [11]. Dữ liệu mở thúc đẩy sự tham gia đóng góp và học tập của tất cả mọi người, qua đó giúp xây dựng xã hội tiên tiến và bền vững hướng đến tương lai.
Hình 1. Bản đồ dữ liệu mở [9]
Dữ liệu mở có thể bao gồm các tài liệu phi văn bản (non-textual material) như dữ liệu bản đồ, bộ gen, các hợp chất hoá học, các công thức toán học và khoa học, dữ liệu y học, sinh học… Các vấn đề thường nảy sinh vì đây là những sản phẩm có giá trị thương mại hoặc có thể được tổng hợp thành những tác phẩm có giá trị. Các nhà nghiên cứu, cơ quan lưu trữ, người sử dụng nói chung giữ một vai trò quan trọng trong việc tiếp cận hoặc chia sẻ các dữ liệu này.
Có một thực tế là việc truy cập hoặc sử dụng lại dữ liệu được kiểm soát bởi các tổ chức, chính phủ và tư nhân. Việc kiểm soát có thể được triển khai qua các hình thức như hạn chế truy cập, giấy phép, bản quyền, bằng sáng chế và phí truy cập hoặc sử dụng lại. Những người ủng hộ dữ liệu mở cho rằng những hạn chế này chống lại hàng hoá thông thường và những dữ liệu này nên được cung cấp sẵn mà không có giới hạn hoặc phải trả phí truy cập. Ngoài ra, điều quan trọng là dữ liệu có thể tái sử dụng được mà không cần sự cho phép thêm, mặc dù các loại tái sử dụng (như tạo ra các sản phẩm phái sinh) có thể được kiểm soát bằng giấy phép.
Những người tạo ra dữ liệu thường không xem xét quyền sở hữu, cấp phép và tái sử dụng, thay vào đó việc không xác nhận bản quyền sẽ đưa dữ liệu vào miền công cộng. Ví dụ, nhiều nhà khoa học không coi các dữ liệu phát sinh từ công việc của họ là được kiểm soát và hành vi công bố trong một tạp chí là một sự tiết lộ ngầm định của dữ liệu vào các nội dung. Tuy nhiên, việc thiếu giấy phép sẽ làm cho việc xác định tình trạng của tập dữ liệu rất khó khăn và có thể hạn chế việc sử dụng dữ liệu trên tinh thần “Mở”. Do sự không chắc chắn này nên các tổ chức công cộng hoặc tư nhân có thể tổng hợp các dữ liệu đó, bảo vệ nó bằng bản quyền và sau đó bán lại nó cho cộng đồng sử dụng.
2. Vai trò của các thư viện trong việc lưu trữ và quản lý dữ liệu mở
Dữ liệu mở có thể được lưu trữ ở rất nhiều hệ thống khác nhau. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu trữ là một vấn đề thiết yếu. Tuy nhiên, các cơ quan thông tin và hệ thống thư viện có những tiềm năng và thuận lợi lớn hơn khi tham gia quản lý dữ liệu mở, cơ bản xuất phát từ tính chất của hoạt động lưu trữ và cung cấp tri thức đến cho mọi người. Điều này cũng hứa hẹn nhiều cơ hội đổi mới và tương lai bền vững hơn cho các hệ thống thư viện trên thế giới.
Các thư viện đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong việc lưu trữ và quản lý dữ liệu mở. Việc lưu trữ dữ liệu mở giúp họ nâng cao khả năng hoạt động của hệ thống và hỗ trợ đắc lực cho người sử dụng và quá trình truy cập xuất bản mở được diễn ra thuận lợi hơn. Chính việc lưu trữ các nguồn tài nguyên từ dữ liệu mở sẽ giúp cho các thư viện dễ dàng mở rộng hoạt động của mình một cách hiệu quả hơn. Nhờ vào những đóng góp.
Hình 2. Lợi ích của tư liệu hàn lâm truy cập mở [5]
Bất cứ người sử dụng nào cũng có thể tham gia đóng góp dễ dàng hơn cho các kho dữ liệu mở được thư viện lưu trữ. Các nguồn dữ liệu mở này dần dần được hoàn thiện phát triển cả về quy mô và chất lượng, đóng góp không nhỏ vào tiến trình xây dựng kho tư liệu khổng lồ của nhân loại.
Ngoài việc lưu trữ và quản lý, các thư viện cũng cần chú trọng hơn vào quá trình cấp phép của các nguồn tài nguyên dựa trên dữ liệu mở. Phần lớn nguồn tài nguyên đó được chia sẻ rộng rãi và tuân theo giấy phép đại chúng (GNU – GPL). Tuy nhiên, người sử dụng cũng có nhu cầu giới hạn một số tài nguyên mở của họ và chỉ định rõ những nội dung nào được chia sẻ rộng rãi, những nội dung nào cần có yêu cầu bản quyền. Giấy phép cho những trường hợp này thường sẽ ở dạng CC (giấy phép sáng tạo chung – Creative Commons).
Sự gia tăng của việc xuất bản điện tử đã phá vỡ các vai trò thông tin truyền thống. Nhưng nếu cho rằng thư viện sẽ nắm giữ vai trò trung tâm của khoa học hướng dữ liệu ngày càng gia tăng thì cũng chưa thật sự chính xác. Tuy có nhiều cơ hội, nhưng nếu các thư viện thay đổi quá chậm thì họ sẽ bị các tổ chức khác vượt qua và bỏ lại phía sau. Mối quan tâm ngày càng tăng về dữ liệu khoa học và nhu cầu về các dịch vụ hướng dữ liệu đưa ra rất nhiều cơ hội cho thư viện để tự thiết lập chính mình như vai trò trung tâm trong các cơ sở nghiên cứu [2].
Hệ thống xuất bản khoa học hiện đại ngày càng trở nên phức tạp. Quy trình xuất bản truyền thống có thể được mô phỏng như một vòng lặp đơn giản, với các bài viết từ các nhà nghiên cứu đến các nhà xuất bản tới các thư viện và quay trở lại với các nhà nghiên cứu. Ngược lại, hệ thống hiện đại được mô phỏng nhiều hơn như là một mạng lưới với các mối quan hệ mới và vai trò ngày càng chồng chéo nhau. Ngày nay, các bài báo nghiên cứu không chỉ được gửi tới các tạp chí, mà còn cho các kho của tổ chức và đối tượng. Các kho của các tổ chức thường được các dịch vụ thư viện đặt chỗ và giữ các tài liệu xám cũng như các ấn phẩm chính thức. Ngoài ra, việc kết hợp các tạp chí điện tử của các nhà xuất bản làm giảm vai trò thu nhận của thư viện, trong khi các tạp chí truy cập mở có thể làm gián đoạn vai trò phân phối truyền thống của các công ty xuất bản. Các mô hình vòng đời dữ liệu có thể cung cấp nền tảng cho việc xem xét những cơ hội có sẵn cho các dịch vụ thư viện trong việc chia sẻ dữ liệu nghiên cứu. Vòng đời dữ liệu nghiên cứu của Kho lưu trữ Dữ liệu Vương quốc Anh phân biệt 6 giai đoạn trong vòng đời dữ liệu, bao gồm: tạo ra dữ liệu, xử lý dữ liệu, phân tích dữ liệu, bảo tồn dữ liệu, cho phép truy cập tới dữ liệu và sử dụng lại dữ liệu. Nhiều trong số các giai đoạn đó có thể là lợi thế đến từ các kỹ năng của cộng đồng thư viện [2].
Hình 3. Vòng đời dữ liệu nghiên cứu [10]
Các thư viện cần tích cực tham gia phát triển chính sách dữ liệu nghiên cứu của cơ sở, bao gồm các kế hoạch về tài nguyên của hệ thống. Việc khuyến khích và tuỳ biến thích nghi các chính sách về dữ liệu mở ở những nơi thích hợp trong vòng đời dữ liệu nghiên cứu sẽ giúp cho các thư viện tiếp cận nhanh hơn vào các kho dữ liệu mở, từ đó hỗ trợ quá trình lưu trữ và quản lý dữ liệu được hiệu quả hơn [7]. Ngoài ra, các thư viện cũng có vai trò to lớn trong việc hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu để mở ra các dòng công việc nghiên cứu của họ, chia sẻ và sử dụng lại các kết quả đầu ra nghiên cứu. Người làm thư viện sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ này [1].
Để giúp người sử dụng tối ưu hoá tiềm năng cho việc chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu mở trong tương lai, Kế hoạch quản lý dữ liệu (Data Management Plan – DMP) có thể giúp họ cân nhắc bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra và nhận diện các cách thức để vượt qua chúng. DMP nên được hiểu như là tài liệu “sống” phác thảo cách dữ liệu nghiên cứu được thu thập hoặc được sinh ra sẽ được thao tác trong và sau dự án nghiên cứu [6].
Bản chất tự nhiên về sự đổi mới của các dịch vụ thư viện đã từng được nêu lên trong các tư liệu chuyên ngành trong nhiều năm. Các tư liệu chuyên ngành đã từng đưa ra nhiều dự đoán, chẳng hạn như nếu thư viện chấp nhận sự thay đổi lớn và cũng để tránh bị tụt hậu, thư viện có thể trở thành thư viện thông minh. Thư viện sẽ thay đổi vai trò của mình vượt ra khỏi tất cả những điều kiện hiện có để hoà nhập vào những xu hướng mới (như dữ liệu mở, cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu lớn, hệ thống thông minh…), trong đó dữ liệu mở là một hướng đi khá mới mẻ và tiềm năng. Dễ dàng nhận thấy rằng, nhu cầu cho các dịch vụ hướng dữ liệu mở sẽ tăng lên mang lại các cơ hội lớn và hoàn toàn nằm trong khả năng của các thư viện. Ngoài ra, trong việc lưu trữ và quản lý dữ liệu mở, các thư viện cũng sẽ đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm tàng khác, nhưng cũng là động lực thúc đẩy họ vươn lên nắm bắt các cơ hội mới.
Nếu các thư viện tiếp tục hoàn thành vai trò truyền thống cốt lõi của mình, thì cần có những cách tiếp cận mang tính đổi mới và sáng tạo hơn rất nhiều cho dữ liệu mở. Nếu không thể đổi mới thành công, có thể thấy vai trò của thư viện và người làm thư viện sẽ ngày càng mờ nhạt hơn rất nhiều và nhanh chóng bị tụt hậu so với thời đại mới.
3. Cơ hội và thách thức với các thư viện khi lưu trữ và quản lý dữ liệu mở
Dữ liệu mở phát sinh ngày càng lớn và đa dạng. Điều này tạo ra cơ hội cho các thư viện trong việc bổ sung nguồn tài nguyên của hệ thống. Qua đó, không chỉ giúp cho thư viện lớn mạnh hơn về quy mô mà còn hỗ trợ quá trình phát triển và nâng cao chất lượng phục vụ. Khi dữ liệu được hỗ trợ và chia sẻ rộng rãi sẽ kích thích nhu cầu của người sử dụng, nâng cao khả năng truy cập mở đến nhiều nguồn tài nguyên có giá trị lớn.
Bên cạnh đó, dữ liệu mở cũng tạo ra nhiều cơ hội cạnh tranh cho các thư viện. Rất nhiều hệ thống khác sẽ tham gia vào quá trình lưu trữ và phân phối dữ liệu mở. Điều này tạo động lực thúc đẩy các thư viện phát triển nhanh và bền vững, giúp cho họ vững chắc hơn tiến vào những cuộc đổi mới mang tính lịch sử, hoà vào dòng chảy của khoa học mở đang dần chiếm giữ vị trí trung tâm của thời đại mới [4].
Dữ liệu mở ngày càng đa dạng trong thời đại bùng nổ thông tin dữ liệu như hiện nay, có nhiều thách thức không nhỏ cho các thư viện trong việc lưu trữ và quản lý chúng. Trước hết về khía cạnh công nghệ, việc lưu trữ dữ liệu mở với khối lượng lớn cần nhiều hệ thống có cấu hình mạnh và phương tiện lưu trữ lớn. Điều này có thể làm phát sinh các chi phí cho thư viện. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chuyên viên quản trị hệ thống cũng đòi hỏi một chi phí lớn và trình độ chuyên môn cao.
Khi dữ liệu mở lớn, không thể không nhắc đến khả năng bảo mật của chúng. Việc đảm bảo dữ liệu không bị tấn công hoặc mã hoá sai lệch cũng đặt ra thách thức lớn cho các thư viện. Họ cần có đội ngũ những chuyên gia bảo mật tốt để vận hành cả hệ thống được mạch lạc và có hiệu quả hơn. Dữ liệu lớn chưa hẳn đã tốt. Có những nguồn dữ liệu tuy nhỏ nhưng chứa đựng cô đọng nhiều nguồn tri thức giá trị vẫn mang lại nhiều điều hữu ích rất lớn.
Vấn đề tính đúng đắn của dữ liệu mở khi nó được chia sẻ công khai cũng là một thách thức rất lớn. Tính xác thực và đúng đắn của dữ liệu là một trong những vấn đề cũ nhưng luôn mới trong các kho tri thức khổng lồ của nhân loại. Khi tham gia vào quá trình lưu trữ dữ liệu lớn, đặc biệt là dữ liệu mở, các thư viện cần chú trọng đến vấn đề về tính đúng đắn như một khía cạnh quan trọng không kém so với quá trình phát triển và nâng cao hiệu quả của hệ thống.
Vấn đề đồng bộ hoá trong lưu trữ dữ liệu nói chung và dữ liệu mở nói riêng cũng là một thách thức không nhỏ cho các thư viện. Bên cạnh đó, việc lưu trữ dự phòng cũng cần được tiến hành thường xuyên và liên tục. Khi hệ thống ngày càng phình to ra, nhiều vấn đề lưu trữ dữ liệu sẽ phát sinh, đòi hỏi khả năng xử lý và vận hành hệ thống của các thư viện phải được nâng cao hơn.
Về khía cạnh người sử dụng, dữ liệu mở vẫn còn là một câu hỏi lớn và sự lựa chọn vẫn đang nghiêng về các tư liệu hàn lâm bản quyền. Có một xu hướng lựa chọn “tài nguyên chất lượng”, “tài nguyên chuẩn” đã ăn sâu vào tư tưởng của phần lớn người sử dụng thư viện. Họ luôn cho rằng chỉ có sách được xuất bản, bài báo được mua bản quyền, tài nguyên được thương mại hoá… thì mới đảm bảo tính đúng đắn và an toàn khi sử dụng. Điều này là một thách thức lớn đối với các thư viện khi triển khai nguồn dữ liệu mở phục vụ cho người sử dụng. Vấn đề này có lẽ sẽ thay đổi nhưng cần một thời gian dài hơn nữa trong tương lai để người sử dụng có góc nhìn thoáng hơn với các nguồn tài nguyên dựa trên dữ liệu mở.
Quá trình số hoá và chuyển đổi các tài liệu được lưu theo phương thức truyền thống thành tài liệu số hoá đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển của các thư viện hiện nay. Việc lưu trữ và đưa các cơ sở dữ liệu số hoá lên Internet cũng tốn rất nhiều tiềm lực, công sức cũng như thời gian của các thư viện. Nếu trong quá trình này, các thư viện có thể cung cấp các nguồn tài nguyên dưới dạng mở thì sẽ tốt hơn, sẽ tạo ra cơ hội cũng như hướng phát triển mới. Ngoài ra, dữ liệu mở và các nguồn tài nguyên được cấp phép mở cũng sẽ chiếm ưu thế khi được phổ biến đến cho những người sử dụng thuộc tầng lớp nghèo, những nơi thiếu nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án nghiên cứu. Dữ liệu mở ở khía cạnh này sẽ giúp mở rộng, tạo cơ hội học tập và nghiên cứu rộng rãi đến cho cộng đồng xã hội.
4. Xu hướng tương lai của dữ liệu mở
Dữ liệu mở mang đầy đủ những tính chất và giá trị như dữ liệu được lưu trữ trong các hệ thống bản quyền và thương mại. Điều này tạo nên sự cạnh tranh công bằng trong việc cung cấp tri thức đến cho cộng đồng xã hội. Mỗi hệ thống sẽ có những điểm mạnh và yếu riêng, hệ thống lưu trữ dữ liệu mở cũng vậy. Nâng cao khả năng lưu trữ và quản lý dữ liệu mở song hành với việc khắc phục dần những điểm hạn chế luôn là nhiệm vụ đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội cho các thư viện.
Dữ liệu mở đã được các cơ quan của chính phủ trên toàn thế giới xem như là sáng kiến biến đổi quan trọng và chủ chốt. Sự giới thiệu của đối tác Chính phủ mở (Open Government Partnership – OGP) vào tháng 09/2011, cùng với dữ liệu mở có sự cam kết toàn cầu rộng lớn hơn cho chính phủ mở. Vào năm 2013, các quốc gia thuộc khối G8 đã thông qua Hiến chương Dữ liệu mở (Open Data Charter), cam kết làm cho dữ liệu của khu vực nhà nước trở nên “mở mặc định”. Kể từ đó, Hiến chương Dữ liệu mở G8 đã trở thành nền tảng cơ bản cho các sáng kiến dữ liệu mở của các chính phủ; để quảng bá các nguyên tắc của dữ liệu mở trên các diễn đàn quốc tế khác và vì sự phát triển của Hiến chương Dữ liệu mở quốc tế đầy tiềm năng [8].
Sự tăng trưởng của OGP đã đồng hành với sự gia tăng các dự án được thiết kế để hỗ trợ và đánh giá các sáng kiến dữ liệu mở diễn ra trên trường quốc tế, nó bao gồm cả đối tác về dữ liệu mở (Partnership for Open Data). Nhóm làm việc về dữ liệu Chính phủ mở của Ngân hàng Thế giới (World Bank Open Government Data Working Group) đã giới thiệu các đánh giá tính sẵn sàng dữ liệu mở (Open Data Readiness Assessment – ODRA) giúp các quốc gia đánh giá độ sẵn sàng của họ để thiết kế và triển khai các sáng kiến dữ liệu mở. Quỹ Web (Web Foundation) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (International Development Research Centre – IDRC) đang điều phối mạng nghiên cứu dữ liệu mở (Open Data Research Network – ODRN), được thiết kế để giúp các nhà nghiên cứu dữ liệu mở khắp nơi trên thế giới kết nối và chia sẻ các kinh nghiệm của họ. Open Data Barometer (ODB) đã cung cấp các phương tiện đo chuẩn mực cho các sáng kiến dữ liệu mở khác nhau trên thế giới.
Những yếu tố này đã khích lệ việc nâng cao nhận thức về dữ liệu mở khắp nơi trên thế giới. Mức độ giá trị được dữ liệu mở phát huy sẽ phụ thuộc vào tính bền vững của sáng kiến dữ liệu mở cho từng chính phủ. Vai trò của các tổ chức toàn cầu có thể đóng góp để đảm bảo rằng việc chuẩn hoá như vậy được đánh giá và hỗ trợ về dài hạn để đảm bảo cho những lợi ích bền vững của mỗi quốc gia trên thế giới [8].
Các hệ thống thư viện lớn nhỏ trên thế giới cần đầu tư nhiều hơn nữa vào định hướng phát triển dựa theo trào lưu dữ liệu mở này. Đây không chỉ là cơ hội vàng mà còn là thách thức lớn để mở rộng chất lượng và nâng cao tầm vóc, khẳng định vị thế ngày càng cao của các thư viện trên trường quốc tế.
Kết luận
Dữ liệu mở chứa nhiều ý nghĩa với phạm vi rất rộng lớn không chỉ phục vụ cho quá trình nghiên cứu mà còn giúp cho các quốc gia trên thế giới phát triển ngày càng bền vững hơn. Lưu trữ và quản lý dữ liệu mở đang trở thành một xu hướng mới của nhiều thư viện và sẽ ngày càng chiếm một vị trí quan trọng. Điều này đặt ra thách thức cũng như cơ hội cho các thư viện trong việc nâng tầm giá trị và chất lượng phục vụ của chính mình. Để phát huy vai trò tiên phong trong việc xây dựng và phát triển các nguồn dữ liệu mở phục vụ học tập và nghiên cứu, các thư viện cần có những chiến lược dài hạn hợp lý hơn nữa cùng với sự ủng hộ của các chính phủ và đông đảo người sử dụng trên thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các thư viện: các vai trò và cơ hội trong Khoa học Mở. https://letrungnghia.mangvn.org/Education/cac-thu-vien-cac-vai-tro-va-co-hoi-trong-khoa-hoc- mo-5706.html. Truy cập ngày 01/3/2018.
2. Các thư viện có thể đóng vai trò chính trong quản lý dữ liệu nghiên cứu. https://letrungnghia.mangvn. org/Education/cac-thu-vien-co-the-dong-vai-tro- chinh-trong-quan-ly-du-lieu-nghien-cuu-5708.html. Truy cập ngày 01/3/2018.
3. Cơ sở dữ liệu truy cập mở – Thư viện Đại học An Giang. http://lib.agu.edu.vn/co-so-du-lieu/truy- cap-mo/74-co-so-du-lieu. Truy cập ngày 28/2/2018.
4. Khoa học Mở – Open Science. http://vnfoss. b l o g s p o t . c o m / 2 0 1 6 / 0 5 / k h o a – h oc – m o – o p e n – science.html. Truy cập ngày 01/3/2018.
5. Lợi ích của tư liệu hàn lâm truy cập mở. https://letrungnghia.mangvn.org/Author/loi-ich-cua- tu-lieu-han-lam-truy-cap-mo-5869.html. Truy cập ngày 01/3/2018.
6. Thí điểm Dữ liệu Nghiên cứu Mở là gì? https:// letrungnghia.mangvn.org/Policy/thi-diem-du-lieu- nghien-cuu-mo-la-gi-5715.html. Truy cập ngày 28/2/2018.
7. Vai trò nổi bật của các thư viện: quản lý dữ liệu nghiên cứu. https://letrungnghia.mangvn.org/Edu- cation/vai-tro-noi-bat-cua-cac-thu-vien-quan-ly-du- lieu-nghien-cuu-5707.html. Truy cập ngày 01/3/2018.
8. Ellen Broad, Fiona Smith, Dawn Duhaney, Liz Carolan. Open data in government: how to bring about change, Open Data Institute. – 2015. http://opengov.si.md/wp-content/uploads/2015/02/255887396-Open-data-in-government-how-to-bring-about-change.pdf. Truy cập ngày 28/2/2018.
9. Open data. https://en.wikipedia.org/wiki/Open_data. Truy cập ngày 01/3/2018.
10. Research data lifecycle. http://library.nuigal- way.ie/digitalscholarship/researchdata/research- datalifecycle/. Truy cập ngày 01/3/2018.
11. UNESCO. Introduction to Open Access. – 2015. http://unesdoc.unesco.org/images/0023/002319/ 231920E.pdf. Truy cập ngày 01/3/2018.
_________________
ThS. Nguyễn Danh Minh Trí
Khoa Thư viện – Thông tin học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2019. – Số 1. – Tr. 24-29.