(Mic.gov.vn) – Đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung, tuy nhiên, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang nắm bắt cơ hội này để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

TMĐT tại Việt Nam và cơ hội cho DN

Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng được mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Với sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng, quy trình hoạt động, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cùng với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet, ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế số.

Chia sẻ tại Hội thảo “TMĐT mở đường cho DN trong bình thường mới”, ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số, trong đó các nhà sản xuất cũng như khách hàng đã sử dụng các công nghệ số khác nhau để thu thập thông tin, kết nối, giao dịch và phát triển sản phẩm. Và TMĐT là một phần quan trọng của xu thế đó, đặc biệt TMĐT xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô TMĐT hiện đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong bối cảnh COVID-19, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

Trong khi bán lẻ toàn cầu giảm do COVID-19 thì bán lẻ qua TMĐT lại tăng. Các con số thống kê và dự báo từ năm 2019 đến 2024 cho thấy TMĐT xuyên biên giới tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh số bán lẻ tăng bình quân hàng năm tăng 3,8%; tăng trưởng doanh số bán lẻ qua TMĐT tăng 15%; tỷ trọng của TMĐT trong tổng doanh số bán lẻ tăng 23,4%.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. Nhiều DN đã và đang nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy doanh số, bù đắp lại quãng thời gian “đóng băng” trước đó.

Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đã trở thành một phương án hữu hiệu cho các DN Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.

Theo bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian vừa qua, COVID-19 khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. TMĐT không nằm ngoài sự tác động này. Tuy nhiên, vẫn có cơ hội riêng cho những DN áp dụng nhanh chuyển đổi số (CĐS).

Một điều tra với 47 quốc gia trải dài từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho thấy tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, trước thời điểm đó (2019) chỉ là 10,3%. “Những con số này cho thấy dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung, nhưng TMĐT vẫn là bức tranh lạc quan từ thực tế chúng ta nhìn thấy ở đỉnh dịch”, bà Hà chia sẻ.

Thực tế đã cho thấy COVID-19 đã thay đổi phương thức tiêu dùng và sở thích mua sắm của nhiều người. Cũng trong bối cảnh này, nhiều DN đã phải tăng cường CĐS, cũng như điều chỉnh mô hình vận hành, điều chỉnh về sản phẩm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh.

Bà Hà cho biết, khảo sát thực tế của Bộ Công Thương cho thấy đối tượng và số lượng khách hàng cho DN hiện đã được mở rộng ra ngoài phạm vi thành thị với lượng người bán tăng đột biến từ những đơn vị phi thành thị, tăng khoảng 40% năm 2021.

Bên cạnh đó, một số sàn lớn cũng ghi nhận việc DN thực phẩm đồ uống, đồ tươi sống cũng đã bắt đầu “lên sàn”, điều không phổ biến trước đây. 6 tháng đầu năm 2021, ở khu vực phi thành thị có khoảng 8.000 hộ nông dân tiếp cận, 15.000 mặt hàng nông sản được đưa lên sàn, tăng khoảng 91% so với cùng kỳ 2020.

Một xu hướng tất yếu cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của TMĐT đó là thanh toán điện tử. Hàng năm, 80% người mua sắm ưa chuộng thanh toán tiền mặt, nhưng hiện nay hình thức thanh toán ví điện tử đang ngày càng phổ biến. Theo số liệu của các sàn TMĐT lớn, hình thức này sẽ ngày càng chiếm ưu thế vì hiện có nhiều chương trình khuyến mại, voucher giảm giá để thu hút người tiêu dùng, bên cạnh đó là tính tiện lợi, nhanh chóng, an toàn…

Ngoài ra, mua bán qua mạng xã hội cũng ngày càng phát triển, đây không còn là hình thức đối phó dịch bệnh mà nó đã trở thành xu hướng mua sắm yêu thích và gắn liền với cuộc sống của người tiêu dùng.

Điều này cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển TMĐT điện tử đang ngày càng được phát triển và mở rộng. “Các yếu tố khác như sự thay đổi trong nguồn nhân lực, hạ tầng chính sách, hạ tầng Internet cũng đang tạo nhiều cơ hội cho DN bứt phá trong bối cảnh COVID-19”, bà Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ về triển vọng của thị trường TMĐT Việt Nam, bà Trần Như An – Cố vấn năng lực cạnh tranh và Quản lý dự án IPSC, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng cho biết, trong làn sóng COVID-19 đầu tiên năm 2020, lĩnh vực TMĐT Việt Nam đạt 14 tỷ USD. Năm 2021, Việt Nam có 61 triệu người dùng smartphone với tỷ lệ bao phủ là 71%, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 82 triệu người dùng. Tỷ lệ này đã thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT. Việt Nam dự kiến sẽ là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026 với giá trị khoảng 56 tỷ USD.

Theo bà Trần Như An, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có một số khó khăn, khi hầu hết DN, đặc biệt là các DN nhỏ chưa thể cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chất lượng, thiết kế sản phẩm trong nước, không tạo sự khác biệt trong sản phẩm.

Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn có sự phân hóa về mặt kỹ thuật số liên quan về giới, khu vực địa lý. Đa số giao dịch được diễn ra ở khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ bao phủ điện thoại thông minh khá cao nhưng kiến thức và kỹ năng số vẫn là rào cản đối với phụ nữ và dân tộc thiểu số để có thể tham gia lĩnh vực này.

Do đó, bà Trần Như An nhấn mạnh Việt Nam cần đầu tư vào việc đào tạo để nâng cao kiến thức và kỹ năng số, nâng cao năng lực cho các đơn vị, đầu tư hệ thống, năng lực kho bãi, giao thông vận tải, hệ thống thanh toán, bảo mật thông tin.

20220324-pg2

Chiến lược để DN “lên sàn” thành công

Với tiềm năng phát triển lớn nhưng rõ ràng không phải DN nào tận dụng TMĐT đều thành công, thất bại cũng có, thách thức cũng không ít: cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi tiền tài, kỹ năng, chiến lược, quy trình tham gia cũng như những rủi ro pháp lý.

Từ góc độ DN, ông Trịnh Khắc Toàn – Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, các DN Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội và xu hướng phát triển TMĐT là không thể đảo ngược.

Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết TMĐT xuyên biên giới sẽ xóa bỏ sự phức tạp của phương thức xuất khẩu truyền thống và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu. Nếu xuất khẩu truyền thống sẽ đi từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, rồi đến nhà nhập khẩu, tiếp theo sẽ là nhà phân phối, sau đó mới đến nhà bán lẻ trước khi đến tay người tiêu dùng thì TMĐT xuyên biên giới rút ngắn quãng đường, đi từ chủ thương hiệu hay nhà sản xuất qua nền tảng TMĐT như Amazon và tới người tiêu dùng.

TMĐT giúp loại bỏ trung gian sẽ giảm chi phí và tăng lợi nhuận, kiểm soát được thị trường và vòng đời của sản phẩm. Các DN thông qua TMĐT xuyên biên giới có thể tự định giá thương hiệu của mình.

Chia sẻ thông tin về điều kiện tham gia và kỹ năng kinh doanh giúp nhà bán hàng mới có thể thành công trên sàn TMĐT, ông Trịnh Khắc Toàn nhấn mạnh DN cần có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu, nhất là khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế. Kể cả khi đã có thương hiệu rồi, DN vẫn cần định vị lại thương hiệu tại thị trường mà DN định tham gia bán hàng.

Trong khi đó, đúc kết những bài học kinh nghiệm cho DN mới tiếp cận và đang tăng trưởng trên sàn TMĐT trong mô hình kinh doanh B2B, B2C, đại diện sàn TMĐT Tiki, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh Khu vực Hà Nội cho biết, TMĐT là cơ hội lớn cho DN Việt Nam từ nay đến năm 2025. Tuy nhiên để có thể “lên sàn” thành công thì các DN cũng cần có những chiến lược rõ ràng.

Theo bà Thư, thay vì tâm lý e ngại, DN nên kinh doanh đa sàn, tận dụng tiềm năng DN và tối ưu hóa từ lợi thế mỗi sàn, vì mỗi sàn có những ưu thế, tập khách hàng, chính sách hỗ trợ riêng. Như Shopee có khách hàng lớn, giá rẻ, cách vận hành mở. Còn Tiki khách hàng tầm trung, có yếu tố phức tạp hơn nhưng đảm bảo độ tin cậy.

Đối với DN mới lên sàn, cần hiểu rõ đối thủ, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn. Tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng… phần này sẽ có bộ phận hỗ trợ từ sàn, giúp DN gây dựng tiếng vang và phát triển.

Bên cạnh đó, các DN cần xây dựng tập khách hàng mới, có thể là từ khách hàng truyền thống chuyển sang khách hàng trực tuyến, đồng thời tiếp cận tập khách hàng sẵn có rộng lớn của các sàn TMĐT để biến khách hàng đó trở thành tập khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, các DN cũng tận dụng cơ hội từ các chiến dịch quảng cáo – đặc trưng của các sàn. Ví dụ các ngày đôi 1/1, 2/2 – đây là các ngày được các sàn tập trung ngân sách để tung khuyến mãi, kích cầu.

Kế hoạch tư vấn và chăm sóc sau bán hàng cũng rất quan trọng. Nhiều DN chưa đánh giá mức độ phát triển nên chưa chuẩn bị về nhân lực dẫn đến thiếu sót, vì vậy mỗi đơn vị cần chuẩn bị: bán gì, giá thế nào, tập khách hàng, kế hoạch martketing, chăm sóc sau bán.

Bà Thư cũng nhấn mạnh DN không cần quá lo lắng vì các sàn có kế hoạch phát triển, hỗ trợ cho mọi DN. Chiến lược này cũng phù hợp với cả những DN đã phát triển trên sàn, giúp DN nhìn ra những thiếu sót để củng cố chiến lược.

Về mục tiêu đầu tư dài hạn, bà Thư cũng khuyến khích DN hãy trở thành đối tác chiến lược của sàn. Hầu hết các sàn TMĐT đều có kế hoạch JBP – lộ trình phát triển toàn diện lâu dài trong khoảng 1-5 năm giúp DN hưởng nhiều quyền lợi ưu đãi hơn./.

theo ictvietnam.vn

Từ khóa: Thương mại điện tử Việt Nam, kinh tế số