GDVN -Quản trị đại học dựa trên dữ liệu giúp nâng cao chất lượng đào tạo và lấy người học làm trung tâm; quản lý tài chính cũng như tối ưu hóa các nguồn lực.

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giúp ngành Giáo dục có bước phát triển bứt phá về chuyển đổi số, nhiều ý kiến góp ý từ các tổ chức, cơ sở giáo dục đại học đã được đưa ra trong Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo năm 2024 với chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trình bày báo cáo tại Hội thảo.

Theo thầy Bắc, như chúng ta đã biết, tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện theo sự thống nhất chung về chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh sự thống nhất chung đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông còn nhận thấy, hệ sinh thái số có những biến đổi liên quan đến dịch vụ số, xã hội số và quản trị số.

Trong đó, dịch vụ số cung cấp các dịch vụ liên quan đến đào tạo, giáo trình, nghiên cứu khoa học, khảo thí và đảm bảo chất lượng, …., góp phần thực hiện mục tiêu học tập suốt đời của người học. Và dịch vụ số cũng là mảng mà Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đặc biệt quan tâm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Ngoài ra, trong trường đại học – một xã hội thu nhỏ, cũng có rất nhiều nhu cầu, có cộng đồng chung của sinh viên như kết nối doanh nghiệp, học bổng tài trợ, … Khi xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu số nên cố gắng thực hiện nhiều nhất có thể nhu cầu của sinh viên.

Đặc biệt, cần lưu tâm đến việc làm sao nhận thức được nhu cầu của doanh nghiệp, kết nối với dữ liệu của những doanh nghiệp có nhu cầu để tạo thuận lợi cho người học trong thực hành, thực tập và cơ hội việc làm. Tất cả các hoạt động trong trường đại học sẽ được quản trị tường minh và minh bạch, nhận được phản hồi từ sinh viên, đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Đây là các vấn đề liên quan đến xã hội số

Mặt khác, về quản trị số, trong mỗi cơ sở giáo dục đại học, có rất nhiều dịch vụ chúng ta cần quản trị được kết hợp với bên thứ 3 như các dịch vụ về văn phòng số, tổ chức cán bộ, hệ thống tài chính kế toán và kế hoạch đầu tư, …

Dựa trên hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã tạo ra hệ sinh thái số bám theo các trục dịch vụ số, quản trị số và xã hội số.

Về lợi ích của quản trị đại học dựa trên dữ liệu, thầy Bắc thông tin, nhìn chung, cách làm này giúp nâng cao chất lượng đào tạo và lấy người học làm trung tâm và giúp quản lý tài chính cũng như tối ưu hóa các nguồn lực. Bên cạnh đó, ngoài giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng, có thể kết nối được với tất cả mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước.

Hơn nữa, vấn đề quản trị đại học trên dữ liệu cũng cần tuân thủ toàn bộ quy định, chính sách quản lý nhà nước có liên quan. Cụ thể, đảm bảo quản lý, vận hành theo đúng các quy định; linh hoạt trong việc thích ứng với những thay đổi trong hệ thống giáo dục

Bên cạnh đó, việc quản trị đại học trên dữ liệu giúp cung cấp các dịch vụ đào tạo rất đa dạng. Đơn cử như có thể xây dựng các chương trình đào tạo cho người Việt Nam ở nước ngoài, vùng sâu vùng xa, biên giới – hải đào; Quản trị phi địa giới hành chính, phi biên giới, an toàn thông tin, văn hoá số, năng lực số…

Cần tiếp tục chỉ đạo triển khai nâng cấp Hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục đại học Hemis

Để thực hiện mô hình quản trị đại học thông minh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ứng dụng công nghệ sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu tập trung và tự động hóa quy trình hành chính; ứng dụng Blockchain để minh bạch hóa quản lý chứng chỉ và hồ sơ sinh viên. Để làm được việc này, Phòng điều hành IoC của Học viện đã thu thập, phân tích và cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định; Hệ thống quản trị thực hiện quản lý toàn diện các hoạt động kế hoạch và tài chính; Hệ thống thu thập phản hồi toàn diện nắm bắt các phản hồi về mọi mặt hoạt động của trường để liên tục cải tiến nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, Học viện còn thực hiện giảng dạy và học tập thông minh (Smart Teaching and Learning) qua việc đưa mọi hoạt động giảng dạy và học tập lên môi trường số; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cá nhân hóa lộ trình học tập; sử dụng nền tảng học tập trực tuyến (E-learning), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để cung cấp phương tiện thí nghiệm, thực hành từ xa tăng tính tương tác và hấp dẫn.

Để ứng dụng những những công nghệ trên, Học viện đã hỗ trợ các hoạt động giảng và học tập trên môi trường số; ứng dụng VR để mô phỏng thực hành cơ bản và chuyên ngành; xây dựng phòng học thông minh và ứng dụng game hoá và game-based trong giảng dạy và học tập.

Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo năm 2024 với chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số” nhận được sự tham gia, chia sẻ của nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Đặc biệt, Học viện đã thực hiện dịch vụ sinh viên thông minh (Smart Student Services) như sử dụng Chatbot AI hỗ trợ sinh viên 24/7 trong các vấn đề học vụ, tài chính, và hành chính. Sử dụng Mobile App tích hợp để sinh viên tra cứu lịch học, điểm số, và thông tin cá nhân.

Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo thật và hỗ trợ tốt nhất cho người học, Học viện đã áp dụng hệ thống quản lý văn bằng chứng chỉ dựa trên Chữ ký số và Blockchain; Hệ thống học bạ điện tử; Hệ thống cảnh báo sớm cảnh báo sinh viên có nguy cơ rớt môn; Thu phí không dùng tiền mặt; Một cửa sinh viên trên Slink; Trợ lý ảo AI – Tư vấn tâm lý (Bot AMI); Hệ tri thức Mini MBA.

Cũng theo thầy Bắc, xu hướng cộng tác và chia sẻ sẽ phổ biến trong tương lai. Đơn cử khi có hệ thống dữ liệu đào tạo trực tuyến dùng chung, sẽ giúp cung cấp nền tảng chia sẻ học liệu và kết nối hợp tác giữa các trường thành viên trong hệ thống.

Nhằm giúp công tác quản trị đại học thông minh của các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện thuận lợi, thầy Bắc đã đưa ra một số kiến nghị.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo triển khai nâng cấp Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (Hemis) giúp các cơ sở đào tạo đại học hoàn thiện khung quản trị thông minh.

Thứ hai, các cơ sở đào tạo kết nối trực tiếp với Hemis để cung cấp một bức tranh toàn cảnh về bản đồ nguồn nhân lực Quốc gia.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu xây dựng mô hình cộng tác và chia sẻ giữa các trường đại học dựa trên nền tảng số, làm cơ sở đưa Việt Nam trở thành trung tâm nhân lực công nghệ số toàn cầu, hướng tới xuất khẩu tri thức và đầu tư giáo dục tại nước ngoài.

Từ đó, thầy Bắc nêu nhận định, quản trị đại học thông minh sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học như giúp tự động hóa và tối ưu hóa quy trình giúp giảm chi phí và thời gian, tăng hiệu quả vận hành. Cải thiện trải nghiệm làm tăng sự hài lòng của sinh viên, giảng viên và cán bộ.

Bên cạnh đó, giúp nhà trường ra quyết định chính xác dựa trên dữ liệu và phân tích thông minh. Đảm bảo tính minh bạch trong quản lý và đánh giá, nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực cạnh tranh.. Đặc biệt là thích ứng với phổ cập tri thức toàn dân toàn diện…., “Bình dân học vụ số” – định hướng mà ngành Giáo dục đã đặt ra.

Trong quá trình thực hiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã nhận được một số Bằng khen về chuyển đổi số như:

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số năm 2023

Giải thưởng ASOCIO 2024

Rank 1 về Innovation trong các trường đại học tại Việt Nam của Scimago

Tường San

Theo: https://giaoduc.net.vn/