Ngày 19/9/2020, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã diễn ra chương trình tọa đàm giữa Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện. Cổng thông tin Học viện xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng tại chương trình.
Kính thưa các thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên, học viên,
Cuộc CMCN lần thứ 4 mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, tạo ra cơ hội cho một số đại học bứt phá vươn lên thành đại học hàng đầu. Số ít đó là các nước, các đại học dám đi đầu.
Nếu nói đến đột phá trong việc học đại học thì chung qui về một chữ là LÀM NGƯỢC. Cuộc CMCN lần thứ 4 mở ra một cơ hội về sự làm ngược nhưng mang lại kết quả bất ngờ, mở ra cơ hội của các đột phá. Cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải những người đi sau mong muốn giống người đi trước. Vì đi theo cách này thì sẽ mãi mãi là người đi sau. Các công nghệ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược, và bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các đại học đi trước. CMCN lần thứ 4 đi liền với từ DISRUPTIVE, tức là phá huỷ, sự phá huỷ mang tính sáng tạo (Creative Destruction). Người có quá nhiều quá khứ hoành tráng sẽ không có đủ can đảm để phá huỷ. Những ai không có gì hay có rất ít thứ trong tay thì cơ hội lại nhiều hơn.
Trước đây, đầu vào là quan trọng, cách học là quan trọng, dạy học là quan trọng. Bây giờ, chuẩn đầu ra là quan trọng, việc học thế nào hãy để sinh viên tự lo là chính. Có vẻ như là dạy bằng cách không dạy, mà định hướng thôi và làm chặt đầu ra. Và vì thế, việc dạy và việc học có thể dễ đi.
Trước đây, đại học so với chính mình. Bây giờ, đại học phải so với các đại học khác. Và vì thế, việc ban hành bộ tiêu chí và đo đạc, so sánh, đánh giá là quan trọng. Cái gì không đo được thì không quản lý được.
Trước đây, sinh viên học trước rồi làm sau. Bây giờ, sinh viên làm trước rồi học sau. Và vì thế, việc dạy và việc học có thể dễ hơn.
Trước đây, không biết thì hỏi thẩy. Bây giờ, biết thì hãy hỏi, tức là phải tự học trước để biết mà hỏi. Và vì thế, việc dạy và việc học có thể cũng dễ hơn.
Trước dây, học cái đã có trong sách giáo khoa. Bây giờ, học cái chưa có trong sách giáo khoa. Và vì thế, đại học huy động được nhiều hơn người không phải giáo viên chính thức vào giảng dạy.
Trước đây, giáo viên là thầy. Bây giờ, giáo viên là huấn luyện viên, sinh viên làm là chính. Và vì thế, việc dạy và việc học cũng có thể dễ hơn và kết quả là trò giỏi hơn thầy.
Trước đây, học cách giải quyết vấn đề là chính. Bây giờ, học cách tìm ra vấn đề là chính. Và vì thế, việc dạy và việc học cũng thú vị hơn, hữu ích nhiều hơn cho cả người học và người dạy.
Trước đây, cạnh tranh là làm giống người khác và làm tốt hơn. Và vì thế khó mà hơn được người khác. Bây giờ, cạnh tranh là khác biệt, là làm khác người khác, và vì sự khác biệt đó mà hơn người khác. Và cũng vì thế mà dễ hơn. Trước đây, chúng ta phấn đấu để trở thành đại học MIT, là trường đại học công nghệ hàng đầu của Mỹ, là việc rất khó. Thì bây giờ, chúng ta phấn đấu để không trở thành MIT. Sử dụng các công nghệ mới để làm khác, dạy khác, học khác MIT và vì vậy mà chúng ta hơn MIT. Sẽ vẫn còn những doanh nghiệp cần sinh viên MIT, họ sẽ tuyển MIT. Sẽ có những doanh nghiệp cần tuyển sinh viên khác MIT, họ sẽ tìm đến Học viện. Nhưng dù có làm khác MIT thì chúng ta vẫn phải làm việc đó một cách xuất sắc.
Về nghiên cứu trong đại học. Lợi thế rất lớn của Học viện là trực thuộc một bộ công nghệ số, một bộ có tới 50.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong số đó có nhiều doanh nghiệp mạnh, với hàng triệu lao động, với doanh thu hàng năm trên 100 tỷ đô la. Nhưng Học viện chưa tận dụng tiềm năng này. Học viện có cơ hội lớn nhất để trở thành đại học đi đầu về hoạt động nghiên cứu. Gắn đại học với nghiên cứu phải là khác biệt căn bản nhất của Học viện. Nhưng nghiên cứu ở đây phải là thầy cô tham gia nghiên cứu, sinh viên tham gia nghiên cứu, chứ không phải chỉ những người trong các viện nghiên cứu của Học viện. Phải phấn đấu để ít nhất 25% nguồn thu của Học viện là đến từ nghiên cứu. Đã là giáo sư, phó giáo sư của Học viện thì phải có hoạt động nghiên cứu, ít nhất 25% thời gian là dành cho nghiên cứu.
Học viện cùng với 3 doanh nghiệp đang tham gia Hội đồng trường, Viettel, VNPT và CMC – là các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam, rất nên thành lập một doanh nghiệp nghiên cứu trong Học viện, vừa là huy động các nguồn lực nghiên cứu của Học viện, vừa là gắn kết với nhu cầu nghiên cứu của doanh nghiệp, vừa kết hợp được tư duy đại học và tư duy doanh nghiệp. Đây sẽ là một mô hình tốt.
Về chuyển đổi số (CĐS) Học viện. Mục tiêu của CĐS đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Đào tạo giáo viên là đào tạo họ sử dụng các công cụ mới này. Mà việc này thì không khó. CĐS đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Học viện đầu tư xây dựng các nền tảng số để ít nhất 70% nội dung giảng dạy được để trên nền tảng, giáo viên sẽ tập trung vào tạo giá trị tăng thêm trên nền tảng này, giáo viên đứng trên nền tảng này để giảng dạy. Tinh hoa nhân loại, tinh hoa Việt Nam, tinh hoa đại học, tinh hoa Học viện, tinh hoa công nghệ sẽ được đưa vào nền tảng. Và đây là nền tảng mở để liên tục được cập nhật, tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn cả cách thức giảng dạy, cách thức thi kiểm tra. Học viện làm xong nền tảng này thì mặt bằng Học viện sẽ ngay lập tức được nâng lên một mức đáng kể. Trọng tâm của Học viện trong năm 2020, 2021 là tập trung làm nền tảng. Các doanh nghiệp công nghệ trong ngành có thể hỗ trợ. Bởi vì, Học viện mà nâng cao được chất lượng đào tạo thì người hưởng lợi đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp công nghệ.
CĐS Học viện thì việc đầu tiên là chuyển đổi toàn bộ Học viện thành một “quốc gia số” thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của Học viện, của giáo viên, của sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong Học viện sẽ có một định danh số. Học viện là một xã hội thu nhỏ, mà lại là người trẻ, năng động và công nghệ, rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số ở đây, không chỉ việc học mà cả việc quản lý và sinh hoạt. Muốn đào tạo nhân lực CĐS thì hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số, đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất. Quí 3/2020 và Quí 1/2021 sẽ là thời gian để Học viện hợp tác với công ty công nghệ số để xây lên một đại học số đầu tiên tại Việt Nam. Hãy là người đi đầu!
Về mối quan hệ giữa phát triển, ổn định và đổi mới. Phát triển là mục tiêu, ổn định là tiền đề và đổi mới là động lực. Học viện có cái nền, cái gốc của mình. Là cái bất biến. Nắm chắc cái này thì mới ứng vạn biến thành công. Cái mới, một số chương trình đào tạo mới phải được xây trên cái gốc, cái thân của Học viện thì mới sống được, và mới có bản sắc. Cái cũ đang ổn vẫn tiếp tục tồn tại và nên cho tách ra hoạt động độc lập. Trong Học viện nên có nhiều trường.
Về Hội đồng trường và Ban giám đốc. Học viện bây giờ có Hội đồng trường và có Ban giám đốc, có Chủ tịch và có Giám đốc. Đang từ mô hình một lớp, chỉ có Ban giám đốc, mà sang mô hình hai lớp là một khó khăn rất lớn cho Học viện, vì nó mới mẻ, phải thay đồi nhiều thói quen, nhiều qui trình, xử lý không khéo thì thành mâu thuẫn và kiềm chế nhau. Nhưng nếu biết cách làm, phân vai cho rõ, hỗ trợ lẫn nhau, bù cho nhau thì lại rất tốt, sức mạnh nhân đôi. Hội động trường tập trung vào: 1- Định hướng, đặt ra mục tiêu, chiến lược, kế hoạch; 2- Tạo ra các cơ chế để đại học giải phóng các nguồn lực của mình để phát triển; 3- Tạo ra các nguồn lực mới cho đại học, bao gồm cả nguồn nhân lực; 4- Xây dựng hệ thống giám sát; giám sát để đảm bảo đại học đi đúng hướng, đúng chiến lược, hướng tới mục tiêu; giám sát để phát hiện sớm các sai sót trong cách làm để điều chỉnh kịp thời và qua đó bảo vệ Ban giám đốc, bảo vệ Giám đốc; 5- Định hướng về các hợp tác của đại học. Có hai cái mà giám đốc không thể làm nhưng lại vô cùng quan trọng đối với giám đốc, đó là cơ chế hoạt động và giám sát bảo vệ. Nhưng hai cái này thì chủ tịch có thể làm được và làm tốt nhất, đúng vai nhất.
Về nhiệm vụ trước mắt của Hội đồng trường, đó là xây dựng Qui chế hoạt động – nó giống như bộ luật của trường, là khung chiến lược 5 năm tới của Học viện, là kế hoạch 2020-2021, là nhiệm vụ của từng thành viên trong Hội đồng trường, đặc biệt là đại diện của Bộ TTTT, của chuyên gia đào tạo và của 3 tập đoàn, là xây dựng hệ thống giám sát ngay trong năm 2020.
Ba tập đoàn Viettel, VNPT và CMC tham gia Hội đồng trường không chỉ với vai góp ý kiến mà chủ yếu với vai tham gia vào hoạt động đào tạo của Học viện, xây dựng các nền tảng, tham gia chủ lực vào phần 40% học chuyên sâu của sinh viên (mô hình 30% học kiến thức chung, 30% học kiến thức nền tảng về ngành nghề, 40% học chuyên sâu về nghề), chia sẻ cơ sở hạ tầng đào tạo với Học viện.
Về Reskill và Upskill. Về đào tạo lại và đào tạo nâng cao. CMCN lần thứ 4 sẽ làm nhiều nghề biến mất và cũng tạo ra nhiều nghề mới, hầu hết các nghề khác không biến mất nhưng yêu cầu kỹ năng mới. Và vì vậy, việc học nghề mới, việc học kỹ năng mới là nhu cầu rất lớn của xã hội. Trong xã hội tương lai, việc học sẽ là nhu cầu cả đời của mỗi người. Học viện phải giải quyết nhu cầu này. Nhu cầu này không kém gì nhu cầu học đại học, nhưng là một thị trường to lớn hơn rất nhiều. Học viện cần nghiên cứu để thành lập ngay bộ phận này. Để đáp ứng nhanh, cả về nội dung và người dạy, thì không gì bằng các nền tảng, đó là các khoá học trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) được cá nhân hoá cho nhiều đối tượng người học và mở rộng ra toàn xã hội, bao gồm cả những khoá học cơ bản góp phần nâng cao kỹ năng số của xã hội, xoá mù công nghệ cho vùng sâu vùng xa. Mỗi một nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số. Và nếu nhìn theo góc này, thì Học viện ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là một trường đại học truyền thống. Và thực sự, Học viện sẽ là một công ty công nghệ, phát triển công nghệ và nội dung để dạy học. Nhưng Học viện sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình nên các nền tảng.
Về kết hợp với cơ sở đào tạo của các doanh nghiệp. Các danh nghiệp vừa và lớn thì hầu như ai cũng có cở sở đào tạo. Những doanh nghiệp lớn thì cơ sở đào tạo thường là rất lớn. Cái hay của các cơ sở này là cơ sở vật chất tốt, thiết bị thực hành nhiều và phong phú, nhưng thường là không dùng hết công suất. Họ có cái mà đại học không có. Nhưng cái họ thiếu chính là cái mà đại học có: nghề dạy học. Bởi vậy, bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp, hỗ trợ họ nghề dạy, thì Học viện sẽ có rất nhiều cơ sở vật chất mà không phải đầu tư, không những thế, những cơ sở vật chất này lại được đổi mới thường xuyên, luôn bắt kịp công nghệ mới. Đại học mở là đại học chia sẻ nguồn lực với doanh nghiệp. Có một ai đấy nói, khi ta không có tức là ta có rất nhiều. Mang cái mà ta có chia đi thì ta sẽ có cái mà ta không có. Những khó khăn của đại học không còn là khó khăn nữa. Chỉ cần nhìn khác đi, thay đổi mô hình hoạt động là không sẽ thành có.
Về cơ sở dữ liệu những sinh viên đã tốt nghiệp. Chắc ít ai nghĩ rằng tài sản lớn nhất của một trường đại học chính là những người đã tốt nghiệp. Sẽ có rất nhiều giá trị sinh ra từ đây. Tỷ lệ xin được việc sau khi tốt nghiệp, lương trung bình khi ra trường đi làm, 10 năm sau những người này ra sao, họ nói gì về nội dung giảng dạy, về cách dạy của trường, họ nói gì về trường với nơi họ làm, họ có muốn mang những đề tài nghiên cứu về cho trường không, họ có muốn về trường thỉnh giảng không, họ có muốn cho con họ học đại học ở đây không, những ai thành đạt, họ muốn đóng góp cho trường thì phải làm thế nào, v.v… Những thông tin này có quan trọng cho trường không? Với nghề dạy học thì những thông tin này là quan trọng nhất, và những giá trị mà nó mang lại cũng quan trọng nhất. Vậy mà chúng ta lại không làm hoặc ít làm việc này. Ngay trong năm 2020 này, Học viện phải xây dựng CSDL về học viên của mình, theo dõi họ suốt cả chặng đường sau khi ra trường. Và vì thế mà tài sản của Học viện sẽ ngày một gia tăng.
Chiến lược nhiều khi chỉ là một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác, một mô hình vận hành khác. Làm tốt, làm xuất sắc một cái, một số cái thì có thể đã có một đại học xuất sắc. Với điều kiện, cái đó phải là khác biệt đúng. Những cái khác giống như các đại học khác, chúng ta vẫn phải làm tốt. Những góc nhìn ngày hôm nay là gợi mở cho Học viện. Nhưng dễ làm. Một chiến lược tốt thì đầu tiên phải khả thi, dễ làm. Nhưng lại có một yêu cầu rất cao là phải có niềm tin. Vì chỉ có niềm tin mới giúp chúng ta làm đến nơi, đi đến cùng. Mà chỉ có như vậy thì mới thành công. Tôi mong muốn các đ/c suy ngĩ thấu đáo và chọn cho mình một niềm tin đúng và đi đến tận cùng để xây lên một Học viện xuất sắc.
Học viện đang hội đủ các yếu tố Thiên thời – Địa lợi – Nhân hoà. Thiên thời là sự xuất hiện của các công nghệ đào tạo mới, của các mô hình đào tạo mới mang tính đột phá. Địa lợi là công nghệ số đã trở thành kỹ năng thiết yếu của mỗi người, nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội, tức là thị trường của Học viện rất lớn. Nhân hoà là Học viện đang có được sự thống nhất, đoàn kết cao, nhất là trong lãnh đạo.
Xin trân trọng cảm ơn!