Ngày 26/07/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có buổi tiếp đón Giáo sư Sang-Gug Lee đến từ Viện nghiên cứu Khoa học Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) thảo luận về cơ hội hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực lĩnh cực chip vi mạch bán dẫn. Buổi làm việc có sự tham gia của PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện và đại diện các Viện nghiên cứu, Khoa đào tạo có liên quan.
Trong buổi tiếp đón, Giáo sư Sang-Gug Lee đã chia sẻ những thông tin quý báu về các xu hướng mới trong lĩnh vực chip vi mạch bán dẫn và những tiến bộ công nghệ tại KAIST. Ông cũng đã đánh giá cao tiềm năng và năng lực của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này.
PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện, cũng đã trình bày những kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế của Học viện trong tương lai. Ông cũng đã bày tỏ mong muốn hợp tác mật thiết với KAIST để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và giảng viên của Học viện được tiếp xúc và học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chip vi mạch bán dẫn.
Các đại diện từ các Viện nghiên cứu, Khoa đào tạo cũng đã tham gia tích cực trong buổi thảo luận, đồng thời đưa ra những ý kiến và đề xuất để thúc đẩy hợp tác giữa Học viện và KAIST.
Qua buổi tiếp đón này, hy vọng rằng sẽ mở ra những cơ hội mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực và nghiên cứu trong lĩnh vực chip vi mạch bán dẫn tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của ngành Công nghệ thông tin và Viễn thông ở Việt Nam.
Năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong 5 thành viên sáng lập Liên minh các trường đại học Việt Nam trong đào tạo nghiên cứu lĩnh vực chip vi mạch bán dẫn trong dưới sự chủ trì và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường trong liên minh cam kết cùng nhau chia sẻ tài nguyên phục vụ giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác nghiên cứu các dự án có tính học thuật và thực tiễn nhằm tiệm cận với nền công nghiệp bán dẫn và nhu cầu của các doanh nghiệp bán dẫn. Hội thảo đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời khẳng định nỗ lực của PTIT trong việc xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch tương tự tại Việt Nam.