(Mic.gov.vn) – Một đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tháng 1/2021 đã nói đến giấc mơ đó. Là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu: Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm. Báo chí cách mạng Việt Nam phải góp phần khơi dậy khát vọng đó. Đó cũng là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng.

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Khối báo chí, xuất bản và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cổng TTĐT Bộ Thông tin và Truyền thông xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng.

20211209-l001

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Khối báo chí, xuất bản và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông

Năm 2021 là một năm khó khăn, cả việc nhà và việc nước. Đại dịch COVID-19 là đại dịch trăm năm. Chúng ta đã đi qua năm 2021 và làm được nhiều việc. Khối báo chí, xuất bản và truyền thông (có lúc tôi sẽ gọi tắt là khối báo chí) với 5 Cục: Báo chí, Phát thanh truyền hình và thông tin đện tử, Thông tin cơ sở, Thông tin đối ngoại và Xuất bản, in và phát hành, đã có nhiều thành tích, đóng góp chung vào thành công của ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) và của đất nước. Thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ, tôi xin chúc mừng thành tích của các đồng chí, và trân trọng cảm ơn sự cố gắng, dấn thân hoàn thành nhiệm vụ của các đồng chí!

Thưa các đồng chí,

Một đất nước muốn hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc thì phải có một giấc mơ lớn. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tháng 1/2021 đã nói đến giấc mơ đó. Là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu: Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.

Báo chí cách mạng Việt Nam phải góp phần khơi dậy khát vọng đó. Đó cũng là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng. Khát vọng lớn, giấc mơ lớn thì tạo thành sức mạnh tinh thần. Sức mạnh tinh thần thì nhân lên sức mạnh vật chất. Chưa từng có quốc gia nào, dân tộc nào “hoá rồng, hoá hổ” mà không có sức mạnh tinh thần.

Bộ chúng ta có trách nhiệm góp phần làm cho báo chí khơi dậy được và thổi bùng khát vọng Việt Nam phát triển phồn vinh và hạnh phúc.

Thưa các đồng chí,

COVID-19 đã làm bộc lộ rõ hơn, có khi đến khắc nghiệt, các vấn đề tồn tại của ngành ta, trong đó có lĩnh vực báo chí, xuất bản và truyền thông. Lộ ra thì mới nhìn thấy, nhìn thấy thì mới sửa được, sửa được thì mới không còn “nói rồi, nói mãi”. Sửa được thì mới có phát triển mới. Vậy, lộ ra là tốt. Không nên sợ lộ ra. Càng không nên dấu.

Thời gian qua, khối báo chí, xuất bản và truyền thông của Bộ tập trung nhiều vào xử lý các sự vụ. Do vậy, các vấn đề của lĩnh vực vẫn còn đó, mặc dù đã nhìn rõ, đã chỉ ra, đã có hướng xử lý, và thực tế cũng đã bắt tay vào làm, nhưng khối lượng công việc còn lại là rất lớn. Năm 2022 sẽ là năm phải giải quyết dứt điểm các tồn tại kéo dài của báo chí, xuất bản và truyền thông thuộc phạm vi quản lý nhà nước. Có thể do chúng ta đứng lâu trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, nhìn nhận các vấn đề theo cách cũ, cách của người trong cuộc, mà chưa có cách tiếp cận mới, cách của người ngoài cuộc. Nhiều vấn đề có thể rất khó nhưng thay đổi cách tiếp cận thì sẽ dễ đi. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ mở ra các cách tiếp cận mới trong sản xuất kinh doanh mà cả trong quản lý, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực xã hội. Anh Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng là người không ở trong lĩnh vực báo chí nay lại đang phụ trách báo chí, xuất bản thì rất có thể sẽ có nhiều đóng góp cho phát triển báo chí, xuất bản thông qua các góc nhìn mới, cách tiếp cận mới.

Quản lý nhà nước vừa qua của chúng ta nặng về quản lý mà nhẹ phần phát triển. Phát triển cũng là cách để quản lý tốt hơn. Có phát triển thì mới sống được để tử tế. Nếu chúng ta không làm tốt phần phát triển thì báo chí sẽ bị thị trường hoá, tư nhân hoá, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Quản lý nhà nước về báo chí cách mạng là làm cho báo chí cách mạng phát triển, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước. Đảm bảo cho những người làm báo chí cách mạng có thể sống được lành mạnh. Các cơ quan báo chí phải được đầu tư về cơ sở vật chất, về công nghệ để không tụt hậu so với các cơ quan truyền thông trên thị trường. Đây là việc, là trách nhiệm của Bộ TTTT. Qui hoạch báo chí đã cơ bản xong phần xắp xếp, tiếp theo phải tập trung vào phần phát triển, là phần trọng tâm của Qui hoạch.

Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là lĩnh vực truyền thông, báo chí, xuất bản. Nhưng lĩnh vực báo chí của chúng ta lại đang tụt hậu về công nghệ, thậm chí tụt xa. Bộ chúng ta lại là bộ về công nghệ số, thì sự tụt hậu này là rất đáng trách. Chúng ta đã nói đến, đã có những cố gắng ban đầu về chuyển đổi số (CĐS) báo chí, và đang chuẩn bị ban hành Chiến lược CĐS báo chí, nhưng năm 2022 phải là năm hiện đại hoá nền tảng công nghệ số cho báo chí, xuất bản và truyền thông. Nhưng để CĐS lĩnh vực báo chí thì đầu tiên, chúng ta phải CĐS 5 cơ quan quản lý báo chí, xuất bản và truyền thông của Bộ, đưa cơ bản toàn bộ hoạt động của các Cục này lên môi trường số, kết nối với các cơ quan báo chí để quản lý không tiếp xúc. Tự mình không CĐS thì sẽ không hiểu thế nào là CĐS và càng không thể nói người khác CĐS. 5 đồng chí Cục trưởng phải trực tiếp lãnh đạo chuyển đổi hoạt động của Cục mình lên môi trường số, phải làm sớm trong 6 tháng đầu năm 2022. Bộ trưởng sẽ đánh giá nghiêm khắc việc này đối với các đồng chí Cục trưởng.

CĐS là chuyển sang một không gian mới, không gian sống, làm việc, học tập và giải trí. Không gian mới thì cần thể chế mới. Không gian số thì cần thể chế số. Thể chế số đang theo sau sự phát triển số. Và cũng chính vì vậy mà nhiều bất cập đã và đang xảy ra, gây bức xúc xã hội. Các Cục thuộc khối báo chí phải tập trung hoàn thiện thể chế số.

CĐS một cơ quan báo chí là tất cả mọi người trong cơ quan đó phải có tư duy số, có kỹ năng số, có cách làm số. Bởi vậy mà đào tạo, trang bị kỹ năng số cho phóng viên, cho những người làm báo là rất quan trọng. Chương trình đào tạo kỹ năng số cho 10.000 người năm 2022 của Bộ TTTT sẽ dành ra 3.000 xuất cho lĩnh vực báo chí, xuất bản và truyền thông.

Quản lý báo chí cách mạng thì phải đi từ cái gốc. Đó là sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan chủ quản báo chí đã buông lỏng sự quản lý này trong một thời gian dài. Các qui định về quản lý của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí đã được qui định trong Luật báo chí, đó là: Trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí; đảm bảo điều kiện cần thiết cho hoạt động; bổ nhiệm và quản lý người đứng đầu; thanh tra, kiểm tra, giải quyết kiếu nại, tố cáo; chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ và phương hướng hoạt động. Các cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu cơ quan chủ quản báo chí thực hiện và giám sát nghiêm túc việc thực hiện này.

Nhận thức đúng về công tác truyền thông là công việc của các tổ chức, của chính quyền, còn báo chí chỉ là phương thức, phương tiện truyền thông, đóng vai trò quyết định để làm tốt công tác truyền thông. Lâu nay, ta vẫn coi truyền thông là việc của báo chí. Các tai nạn, khủng hoảng truyền thông gần đây có nguyên nhân gốc là từ các tổ chức đã chưa chuẩn bị tốt kế hoạch truyền thông, chưa lường trước các vấn đề của truyền thông, chưa sử dụng đúng các công cụ, cách thức truyền thông. Trước nay, ta vẫn tập trung đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn cho các cơ quan báo chí, phóng viên. Thì năm 2022 này, chúng ta phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho các bộ ngành, địa phương. Các bộ, ngành và địa phương phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Bộ TTTT phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất việc tổ chức bộ phận làm công tác truyền thông của các cấp chính quyền, cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ, chuyên môn cho lực lượng này.

Anh em báo chí, xuất bản thì cần nhất, mong nhất ở Bộ chúng ta là phần quản lý nhà nước, là quản lý tốt để tạo ra môi trường lành mạnh, là tạo ra cơ chế, chính sách giúp đỡ, hỗ trợ phát triển để báo chí, xuất bản và truyền thông theo kịp sự phát triển, làm nghề được, phụng sự được và sống được. Còn về phần chuyên môn báo chí, xuất bản thì họ làm được và có thể làm tốt.

Tôi và Lãnh đạo Bộ mong muốn và yêu cầu khối báo chí, xuất bản và truyền thông của Bộ phải có chuyển biến thật mạnh mẽ, thật thiết thực và có kết quả cụ thể về quản lý nhà nước đối với báo chí trong năm 2022. Các vấn đề của báo chí, xuất bản và truyền thông thì chúng ta đã nhìn thấy. Chúng ta có một năm để giải quyết triệt để các vấn đề này. Giải quyết triệt để từng việc, xong việc này thì đến việc kia.

Chúc các đồng chí nhiều sức khỏe, có ý thức về sứ mệnh, nhiều thành công trong năm 2022!

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông 

Từ khóa: Bộ TT&TT, Bộ trưởng, Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý nhà nước, báo chí, xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, in, phát hành, truyền thông, chuyển đổi số, COVID-19, sứ mệnh, báo chí cách mạng, Đại hội XIII, công nghệ số, quy hoạch báo chí