(Mic.gov.vn) – Chiều ngày 13/1/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến, chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Bộ TT&TT, Tòa nhà Cục Viễn thông, Tòa nhà Cục Tần số vô tuyến điện và 63 điểm cầu tại Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

20220113-pg4_1

8 câu chuyện thành công về chuyển đổi số

Tại Hội nghị, lãnh đạo 8 Sở TT&TT đã trình bày 8 tham luận chia sẻ các kinh nghiệm và bài học hay về chuyển đổi số trong 03 nhóm chủ đề: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Sở TT&TT Thái Nguyên và Sở TT&TT Thái Bình chia sẻ việc triển khai, áp dụng Nền tảng Sổ tay đảng viên tại địa phương mình. Nền tảng Sổ tay đảng viên tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng Công nghệ định danh điện tử (eKYC), Công nghệ tổng hợp tiếng nói (TTS) và Trợ lý ảo Đảng bộ tỉnh. Trợ lý ảo sẽ tự động trả lời các câu hỏi của Đảng viên về điều lệ, quy chế, quy định hoạt động, xây dựng và phát triển Đảng. Trong 02 tuần triển khai thử nghiệm (từ ngày 02/01/2022),  đã triển khai cài đặt cho 100% đảng viên (khoảng 5.000 đảng viên) thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh, được các tổ chức đảng và đảng viên tiếp nhận và đánh giá cao.

20220113-pg1-TTD1

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sở TT&TT TP HCM, một trong những địa phương phải gồng mình gánh chịu nhiều tổn thất trong làn sóng COVID trong năm 2021, giới thiệu về  Cổng thông tin An toàn COVID (http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/) và ứng dụng PC-COVID phục vụ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có hơn 400 ngàn mã QR địa điểm, hơn 5 triệu điện thoại cài đặt PC-COVID.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022, khi TP HCM mở lại các đường bay quốc tế, Thành phố đã triển khai trong thời gian rất ngắn Hệ thống giám sát, quản lý người nhập cảnh cách ly tại nơi lưu trú (kết hợp với Sử dụng mã QR cá nhân từ hệ thống PC-COVID để cung cấp thông tin khi làm xét nghiệm, qua điểm kiểm soát tại sân bay) theo quy trình khép kín từ lúc chuẩn bị nhập cảnh tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho đến lúc cách ly tại nơi lưu trú.

Đại diện Sở TT&TT Thừa Thiên Huế chia sẻ những thành công trong việc triển khai Nền tảng đô thị thông minh và chính quyền số Hue-S. Được xây dựng với mục tiêu cao nhất là đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, tạo ra một môi trường tương tác số tập trung, người dân đóng vai trò giám sát, phản biện xã hội, Hue-S đã thực sự tạo ra tiện ích, thu hút số lượng lớn người dùng. Hiện nay, số lượng người đăng ký tài khoản sử dụng Hue-S đã đạt hơn 867 nghìn trên tổng số người dân tỉnh Thừa Thiên Huế có sử dụng điện thoại di động thông minh là 680.756 (đạt 144%).

Bắc Giang là câu chuyện thành công của một địa phương áp dụng hiệu quả các nền tảng số quốc gia như ứng dụng PC-COVID, Nền tảng truy vết, nền tảng xét nghiệm. Riêng đối với ứng dụng PC-COVID, Bắc Giang là tỉnh dẫn đầu về số lượng người sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng này. Trên ứng dụng PC-COVID, người dân Bắc Giang được cập nhật kết quả tiêm chủng, kết quả xét nghiệm và khai báo y tế. 100% cán bộ y tế Bắc Giang sử dụng Nền tảng tiêm chủng phục vụ cho công việc thông qua điện thoại thông minh.

Sở TT&TT Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ kinh nghiệm triển khai Tổng đài AI tư vấn, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà giảm bớt quá tải, áp lực cho nhân viên y tế. Tổng đài có chức năng tư vấn, hỗ trợ chăm sóc y tế qua hình thức hội thoại 2 chiều là: Tổng đài nhận số gọi đến của F0 liên hệ khi cần hỗ trợ y tế và Tổng đài tự động gọi tới các F0 để thăm hỏi sức khỏe định kỳ và hỗ trợ cách chăm sóc, điều trị. Theo thống kê trên Hệ thống, chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 15/12/2021 đến ngày 31/12/2021 các cuộc gọi ra để tư vấn, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà là gần 20.000 trường hợp và tiếp nhận gọi vào là hơn 2.500 cuộc gọi.

Sẽ tổ chức Cuộc thi kỹ năng trợ lý ảo giữa các địa phương 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị phổ biến, chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số của 63 địa phương hôm nay. Đây là cơ hội để đại diện 63 tỉnh, thành phố ngồi lại với nhau chia sẻ các câu chuyện, ý tưởng, bài học, cách làm và kinh nghiệm hay trong chuyển đổi số, học hỏi lẫn nhau và từ đó sẽ triển khai chuyển đổi số tốt hơn trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo Thứ trưởng, chuyển đổi số quốc gia thực chất là câu chuyện chuyển đổi số của 63 tỉnh, thành, của hơn 700 huyện, của 11 nghìn xã. Đây là những cấp chính quyền gần dân nhất, trực tiếp triển khai chuyển đổi số và có thể cảm nhận được những thay đổi mà chuyển đổi số mang lại cho xã hội, cho người dân.

Tám câu chuyện chuyển đổi số được chia sẻ tại Hội nghị hôm nay cho thấy, chuyển đổi số không chỉ được triển khai tại các cơ quan chính quyền, mà còn được triển khai trong công tác Đảng. Thái Bình, Thái Nguyên là những tỉnh đi đầu, tiên phong triển khai Nền tảng Sổ tay Đảng viên.

Chuyển đổi số muốn triển khai thành công phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của người đứng đầu. Hiện mới có 50% Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Ngay trong tuần này, Bộ TT&TT sẽ ban hành văn bản nhắc nhở các địa phương còn lại sớm ban hành Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đồng thời các Sở TT&TT tại các địa phương này cần chủ động trong công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy địa phương mình, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Chuyển đổi số là nhằm giải quyết bài toán, nỗi đau của xã hội. Nỗi đau lớn nhất của xã hội hiện nay là làm sao phòng chống dịch hiệu quả, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Chuyển đổi số cũng là câu chuyện của con người, của nhận thức. Đó là câu chuyện thành công của Lạng Sơn trong việc thành lập được hơn 1 nghìn Tổ Công nghệ cộng đồng với số lượng người tham gia khoảng 7-10 nghìn người. Những thành viên trong mạng lưới này gần gũi, gắn bó với bà con, có thể trực tiếp đào tạo, hướng dẫn cho các hộ gia đình trong các thôn bản sử dụng nền tảng số, công nghệ số, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng, những câu chuyện thành công được chia sẻ hôm nay rất ấn tượng, tuy nhiên vẫn còn thiếu những câu chuyện về đào tạo kỹ năng số cho người dân, cho cán bộ công chức; thiếu những câu chuyện khắc họa dùng công cụ gì để chuyển đổi số thành công, dùng công cụ gì để đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến, dùng công cụ gì để truyền tải thông điệp từ chính quyền đến người dân một cách nhanh nhất. Vẫn còn thiếu những câu chuyện về sử dụng dữ liệu để đưa ra những quyết định hiệu quả, chẳng hạn liên quan đến đầu tư công, xây dựng đường cao tốc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng chỉ đạo những việc cần làm ngay, theo đó Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp Cục Tin học hóa hoàn thiện hơn nữa Cổng thông tin T63 – Câu chuyện chuyển đổi số của 63 tỉnh, thành phố tại địa chỉ t63.mic.gov.vn sao cho việc gửi cũng như lan truyền các câu chuyện thành công về chuyển đổi số được dễ dàng hơn nữa. Chỉ cần 1 click chuột là có thể gửi câu chuyện qua các nền tảng số.

Cổng thông tin T63 sẽ trở thành kho thông tin về các câu chuyện thành công trong chuyển đổi số, trên cơ sở đó các đài truyền hình VTV, VOV, VTC khai thác làm phóng sự về các câu chuyện gốc, báo, tạp chí chuyển những câu chuyện này thành Infographic…

Thứ trưởng lưu ý, các địa phương khi sử dụng công cụ chuyển đổi số nên chú trọng sử dụng các nền tảng xuất sắc của Việt Nam.

Cuối cùng, Thứ trưởng chỉ đạo trong thời gian tới sẽ tổ chức Cuộc thi kỹ năng trợ lý ảo giữa các địa phương liên quan đến kiến thức pháp luật, kiến thức về thủ tục hành chính trong  ngành TT&TT. Trợ lý ảo thông minh nhất sẽ được lựa chọn để nhân rộng sử dụng trong toàn ngành.

*Cũng tại Hội nghị, đã tổ chức ra mắt Cổng thông tin T63 – Câu chuyện số của 63 tỉnh, thành phố tại địa chỉ t63.mic.gov.vn và Cổng thông tin Cẩm nang Chuyển đổi số DX tại địa chỉ dx.mic.gov.vn.

Tại Hội nghị, đại diện Cục Tin học hóa giới thiệu Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 10.000 cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước và trong các cơ quan truyền thông, báo chí./.

Giang Phạm

Từ khóa: Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, chia sẻ câu chuyện thành công, trợ lý ảo