Sáng ngày 01/10/2021, Cổng thông tin “Trung tâm Tri thức số: Kết nối thư viện số dùng chung – Đổi mới sáng tạo” (Trung tâm Tri thức số) (http://digitalknowledgehub.vnu.edu.vn/) đã được khai trương trực tuyến dưới sự phối hợp chủ trì của Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-LIC), Liên Chi hội thư viện đại học khu vực phía Bắc (NALA) và Công ty Cổ phần Tư vấn & Tích hợp công nghệ D&L (DLCORP).
Sau 4 năm nghiên cứu về ứng dụng công nghệ tìm kiếm và tích hợp dữ liệu, sự ra đời của Trung tâm Tri thức số là kết quả hợp tác giữa VNU-LIC với các thư viện số của các trường đại học, học viện thuộc NALA và Công ty DLCORP. Hiện nay, Trung tâm Tri thức số có 06 thành viên, bao gồm: VNU-LIC; Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Thư viện Tạ Quang Bửu – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Thư viện trường Đại học Thủy lợi; Thư viện trường Đại học Lâm nghiệp và Trung tâm Thư viện trường Đại học Phenikaa.
Trung tâm Tri thức số là sáng kiến đột phá do VNU-LIC đề xuất nhằm kết nối và tích hợp dữ liệu của nhiều thư viện số độc lập thành một hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu thông qua hệ thống tìm kiếm tập trung, cung cấp nhanh chóng và chính xác siêu dữ liệu và toàn văn từ các kho tri thức số của hệ thống như: luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu, sách, giáo trình thuộc mọi lĩnh vực khoa học…tùy theo chính sách và mức độ chia sẻ của từng thư viện tham gia.
Phát biểu tại buổi khai trương, TS. Nguyễn Hoàng Sơn – Phó Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, Phó Chủ tịch NALA, Giám đốc VNU-LIC khẳng định: Là trung tâm tri thức số đầu tiên của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam cung cấp tri thức số cho Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Trung tâm Tri thức số đem lại nhiều giá trị như: Hỗ trợ người sử dụng tri thức tìm kiếm, khai thác tri thức số khoa học dễ dàng và nhanh chóng; Đảm bảo việc tự học, tự nghiên cứu suốt đời của mỗi người dùng trong xã hội học tập của nền kinh tế tri thức số – xã hội số; Tiết kiệm chi chí bổ sung tài liệu cho các thư viện; Tăng cường vai trò, vị thế cho thư viện số các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục Việt Nam cũng như khu vực và quốc tế; Quảng bá kết quả đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu; Hỗ trợ, tăng cường cho công tác xếp hạng đại học của các trường và các thư viện; Tăng cường đạo đức khoa học trong đào tạo và nghiên cứu; Hỗ trợ các trường đại học kiểm định chất lượng…
TS. Nguyễn Huy Chương – Chủ tịch NALA cho biết: Sự ra đời của Trung tâm Tri thức số là dấu mốc quan trọng khởi đầu cho thời kỳ liên kết, chia sẻ tri thức của hệ thống các thư viện đại học Việt Nam nói chung và các thư viện đại học thuộc NALA nói riêng nhằm tạo ra sức mạnh thông tin mới, khai thác tối đa tri thức nhân loại, đưa thư viện Việt Nam tiếp cận và từng bước hòa nhập với các thư viện thế giới.
Nhấn mạnh rằng sự ra đời của Trung tâm Tri thức số là cột mốc quan trọng của ngành thư viện Việt Nam, ThS. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bên liên quan trong việc liên kết hệ thống các thư viện đại học hàng đầu Việt Nam nhằm tạo ra hệ sinh thái tri thức chất lượng, có giá trị khoa học cao cho các đối tượng người sử dụng thông tin, tri thức tại Việt Nam.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN nhận định: Trong khi truy cập mở học liệu trở thành xu thế phổ biến trên thế giới, Trung tâm Tri thức số là giải pháp hợp lý của các thư viện đại học trong thời đại chuyển đổi số, giúp thư viện tiếp cận gần hơn tới người sử dụng thông tin, tri thức nói chung và cộng đồng học thuật nói riêng, thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu, đồng thời khẳng định và nâng cao tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của thư viện trong nhận thức của cộng đồng học thuật. Giáo sư cũng đánh giá rất cao nỗ lực cá nhân của VNU-LIC trong việc góp phần quan trọng giúp nâng cao thứ hạng của ĐHQGHN trên các bảng xếp hạng đại học hàng đầu khu vực và thế giới, cho rằng VNU-LIC đã và đang khẳng định tốt năng lực của mình trong việc hỗ trợ và thúc đẩy chất lượng của các hoạt động giáo dục, đào tạo trong ĐHQGHN, đồng thời nâng tầm vị thế của thư viện đại học trong kỷ nguyên số và giáo dục số.
Cùng quan điểm với GS.TS Hoàng Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên của Trung tâm Tri thức số như Liên chi hội Thư viện Đại học phía Nam, Thư viện Tạ Quang Bửu, Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Học liệu & Công nghệ thông tin – Trường Đại học Thái Nguyên cũng bày tỏ kỳ vọng và vui mừng trước sự ra đời của Trung tâm Tri thức số. Nhìn chung, các đơn vị đều đánh giá Trung tâm là điểm đến đầy hứa hẹn, đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo cộng đồng học thuật Việt Nam, đưa thư viện Việt Nam bắt kịp nền kinh tế tri thức số.
Sự ra đời thành công của Trung tâm Tri thức số là cột mốc quan trọng, ghi nhận sự nỗ lực và hợp tác hiệu quả của VNU-LIC, NALA, DLCORP trong việc kết nối và chia sẻ dữ liệu, tri thức giữa các thư viện đại học và cộng đồng học thuật. Trong tương lai, hệ thống này sẽ mở rộng và kết nối với các thư viện số đại học, thư viện số quốc gia, thư viện số công cộng, thư viện số chuyên ngành trên toàn lãnh thổ Việt Nam và vươn ra các thư viện số thế giới.
Địa chỉ truy cập Cổng thông tin Trung tâm Tri thức số:
http://digitalknowledgehub.vnu.edu.vn; http://digitalknowledgehub.nala.edu.vn