(Mic.gov.vn) – Dù covid hay không covid, dù giãn cách xã hội hay không giãn cách xã hội thì mọi hoạt động, mọi công việc của chúng ta vẫn phải diễn ra, diễn ra không tiếp xúc. Để mọi công việc của chúng ta vẫn phải hoàn thành chất lượng và đúng hạn. Không ai được lấy lý do covid để xin gia hạn.
Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước của Bộ TT&TT diễn ra vào ngày 30/8/2021 vừa qua. Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu tới quý độc giả toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước của Bộ TT&TT diễn ra vào ngày 30/8/2021 vừa qua
Covid-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số (CĐS). Nhưng chúng ta cần hiểu đúng. CĐS không chỉ là giải pháp tình huống để ứng phó với covid mà còn là một giải pháp lâu dài, có tính chiến lược. Ứng dụng công nghệ số để chống dịch phải là khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ số lâu dài trong phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của các đơn vị, các địa phương.
Về việc không lấy lý do covid để trì hoãn công việc. Dù covid hay không covid, dù giãn cách xã hội hay không giãn cách xã hội thì mọi hoạt động, mọi công việc của chúng ta vẫn phải diễn ra, diễn ra không tiếp xúc. Để mọi công việc của chúng ta vẫn phải hoàn thành chất lượng và đúng hạn. Không ai được lấy lý do covid để xin gia hạn. Ngay cả Triển lãm Thế giới số của Liên minh Viễn thông Thế giới chúng ta cũng làm online, làm ở tầm toàn cầu, trên 100 nước tham gia, và làm năm nay là lần thứ 2, do Việt Nam chủ trì, thì cơ bản các việc khác chúng ta cũng sẽ làm online được.
Về tiêu chí đánh giá sự thành công của một nền tảng số. Bộ TT&TT đang chỉ đạo xây dựng các nền tảng số, các ứng dụng số. Vậy tiêu chí gì để đánh giá sự thành công của các nền tảng và ứng dụng số này. Đó là, nếu đã là nền tảng thì phải là dùng chung toàn ngành, toàn quốc. Đã là ứng dụng số thì phải là 100% người dùng. Đã là nền tảng số, ứng dụng số thì người thực thi mà không sử dụng thì không thể làm việc được. Từ trước đến nay, chúng ta ít chú trọng đến mục tiêu cuối cùng là mọi người dùng sử dụng mà chỉ chú trọng đến mục tiêu trung gian là có phần mềm. Viết được một phần mềm chạy được nếu công sức là 1 thì để phần mềm đó được người dùng chấp nhận thì công sức sẽ là 10, triển khai phần mềm đó đến 100% người dùng thì công sức sẽ là 100. Vậy nên, các đồng chí có làm gì thì cũng phải nhắm đến mục tiêu cuối cùng. Dù có làm ít nền tảng, ít ứng dụng cũng được. Đã làm thì làm đến nơi. Làm ít và làm đến nơi. Không làm nhiều mà không đến nơi. Bộ trưởng sẽ không đánh giá bất cứ cái gì mà không đến nơi. Đây là thay đổi căn bản nhất của thời công nghệ số so với thời CNTT.
Về nhà nước mạnh. Gần đây, chúng ta nói nhiều đến nhà nước mạnh trong dài hạn, mạnh ở tầm nhìn xa trông rộng. Tức là nhà nước phải dẫn dắt. Nhà nước muốn dẫn dắt thì phải xuất sắc. Chiến lược đưa ra thì phải xuất sắc, tức là tầm nhìn, định hướng phải đúng, lựa chọn chiến lược không dàn trải và phải trúng, giải pháp phải độc đáo, có ngữ cảnh Việt Nam, biến việc khó thành dễ, để chiến lược trở thành khả thi. Chiến lược mà không xuất sắc thì tốt hơn là không có chiến lược.
Về cách xây dựng một chiến lược xuất sắc. Chúng ta đang phải viết khá nhiều chiến lược cho các lĩnh vực của Bộ. Vậy có cách nào để xây dựng được các chiến lược xuất sắc không? Một chiến lược xuất sắc thì phải trả lời xuất sắc khoảng 5-6 câu hỏi. Vấn đề đầu tiên quan trọng nhất là đặt ra đúng 5-6 câu hỏi đó. Và tiếp theo sau đó, tất cả cùng bàn bạc, dù là bên trong hay lấy ý kiến bên ngoài, thì cũng tập trung vào việc trả lời 5-6 câu hỏi này. Không gửi bản chiến lược 100 trang để bàn bạc hay xin kiến. Focus chính là cách làm chiến lược. Bộ chúng ta đã bắt đầu làm theo cách này.
Về mục tiêu cuối cùng và các mục tiêu trung gian, về mục tiêu và phương tiện. Để đi đến đích cuối cùng thì có thể phải đi qua các mục tiêu trung gian. Nhưng có nhiều con đường để đi đến đích cuối cùng. Nếu làm không khéo trong việc đặt ra các mục tiêu trung gian thì có thể hoặc là làm mất đi sự sáng tạo của người làm, hoặc là làm quên đi mục tiêu cuối cùng. Gần đây, chúng ta đặt ra quá nhiều các mục tiêu trung gian mà quên đi mục tiêu cuối cùng. Các mục tiêu trung gian thì thường liên quan đến phương tiện, công cụ để thực hiện. Không được nhầm lẫn đâu là mục tiêu, đâu là phương tiện. Càng không được biến phương tiện thành mục tiêu.
Về chưa hiểu việc mà đã bắt tay vào làm. Muốn làm tốt việc gì thì đầu tiên là phải hiểu, hiểu việc, hiểu yêu cầu cuối cùng của việc. Cái gì hiểu là phải hiểu thấu đáo. Cái gì không hiểu là không hiểu. Không thể mơ hồ. Đang còn mơ hồ mà bắt tay vào làm ngay thì dễ gây tai nạn. Không hiểu thì tìm hiểu, hỏi cấp trên, suy nghĩ cho rõ việc. Làm cho rõ việc, rõ yêu cầu thì có thể chậm, nhưng một khi đã bắt tay vào làm thì càng nhanh càng tốt, làm triệt để và làm đến cùng, đến nơi.
Về quản lý mục tiêu. Lãnh đạo các đơn vị trong Bộ cần quản lý mục tiêu nhiều hơn là quản lý cách làm. Đặt ra mục tiêu, xây dựng hệ thống giám sát, đôn đốc nhắc nhở thường xuyên, tạo cơ chế mới cho phát triển, thay cán bộ kém, đó là những việc lãnh đạo làm. Hiện nay thì đang đặt ra mục tiêu không rõ ràng nhưng lại bàn nhiều về cách làm. Bàn cách làm cho bên dưới là đang làm rối việc của bên dưới, làm mất đi sự sáng tạo của bên dưới. Càng xa cơ sở mà càng bàn sâu cách làm của cơ sở là làm phức tạp hoá vấn đề, biến việc dễ thành việc khó. Nên tránh. Nhưng việc phổ biến kinh nghiệm tốt của cơ sở thì lãnh đạo lại nên làm. Việc ra một số hướng dẫn dạng guidelines thì lại nên làm. Việc trang bị kiến thức nền tảng thì lại nên làm. Việc đầu tư một số hạ tầng, nền tảng dùng chung cho cả đơn vị thì nên làm. Càng phân tán, càng phân quyền thì lại càng phải tập trung. Tập trung ở quan điểm, đường lối, định hướng, mục tiêu, chiến lược, cách đo lường mục tiêu, tập trung ở hệ thống giám sát, kiểm tra. Cái kém nhất ở ta vẫn là đo lường và giám sát. Phân quyền là cho cấp dưới chủ động ra quyết định, nhất là về cách làm, cách đạt được mục tiêu.
Về sự đa dạng trong một tổ chức. Cái tạo nên cuộc sống này chính là sự đa dạng. Và cuộc sống chính là sự đa dạng. Không còn sự đa dạng thì cuộc sống cũng chấm dứt. Sự khác nhau giữa các đồng chí trong lãnh đạo một đơn vị là tạo nên sự phát triển bền vững cho đơn vị. Thống nhất mà không đa dạng thì không phát triển. Đa dạng mà không thống nhất thì không bền vững. Đa dạng trong thống nhất thì phát triển bền vững. Sự thống nhất ở đây chính là mục tiêu chung. Mục tiêu chung đó chính là sự phát triển của ngành TT&TT, sự phát triển của đất nước Việt Nam hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc./.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Từ khóa: Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, covid-19, chuyển đổi số, ngành TT&TT, Việt Nam, hùng cường, thịnh vượng